(HNM) - Sức khỏe giảm sút do tuổi tác, rất nhiều lao động nữ đang có nguy cơ mất việc hoặc phải chuyển sang làm nghề tự do khi không đủ điều kiện để làm thêm, tăng ca hoặc những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao...
Điều này được thể hiện ở chính các thông báo tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, với yêu cầu: tuyển lao động nữ tuổi từ 18-25. Con đường mưu sinh của lao động nữ lớn tuổi vì thế ngày càng gập ghềnh.
Gập ghềnh con đường tìm việc
Đại diện một công ty sản xuất ở huyện Từ Liêm cho biết, họ rất ngại tuyển lao động nữ ngoài 35 tuổi. Phụ nữ độ tuổi 28-32 thường phải nghỉ thai sản, gây gián đoạn trong công việc. Khi họ sinh con thì sức khỏe giảm sút, kéo theo đó là năng suất kém. Vào dịp cuối năm, nhiều đơn hàng phải hoàn thành bắt buộc doanh nghiệp phải tăng ca, làm thêm giờ. Nhiều lao động nữ lớn tuổi không đáp ứng được yêu cầu khắc nghiệt của việc làm thêm nên họ xin chuyển chỗ làm hoặc xin nghỉ ốm thất thường. Vì vậy, đã không ít lần doanh nghiệp buộc phải tuyển công nhân nam vào dịp cuối năm.
Tại các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội như 20-10, Thanh niên, báo Lao động Thủ đô… có rất nhiều lao động ở độ tuổi 30 đến tìm công việc nhẹ nhàng, phù hợp. Có lần đến TTGTVL Hà Nội, chúng tôi gặp một chị từng làm cho Công ty Dệt 8-3. Hỏi ra mới biết chị đến tìm việc vì từ gần một năm nay do không đủ sức khỏe để đi theo công ty ra tỉnh ngoài làm việc nên chị đã xin nghỉ. Sau đó chị đi tìm việc nhưng không đơn giản. Không dưới 5 lần chị xin làm công nhân may nhưng tiêu chuẩn của nơi nhận là tuổi dưới 30. Cũng tại TTGTVL Hà Nội, chúng tôi chứng kiến không ít cảnh phụ nữ ngoài "băm" đã từng lặn lội khắp nơi để tìm kiếm công việc phù hợp nhưng kết quả vẫn là con số không. Chị Nguyễn Thị Lan trước đây là công nhân cơ khí. Do công ty chuyển nhà máy sang Gia Lâm, cách nhà chị 20km nên chị xin nghỉ chế độ một lần với khoản tiền trợ cấp nho nhỏ. Chị Lan tìm kiếm công việc tại các TTGTVL nhưng cũng năm lần bảy lượt không có việc làm như ý nên đành chấp nhận đi làm giúp việc theo giờ cho một số gia đình.
"Vấn đề" của cả cộng đồng
Một cán bộ phụ nữ cho biết, theo quy luật tâm sinh lý của lao động nữ ở độ tuổi sau 30 thì sức khỏe họ giảm sút nhiều và thường mắc các bệnh như loãng xương, suy giảm thị lực, trí nhớ, huyết áp cao, tim mạch… Do đó, năng suất lao động giảm khoảng 20% và sẽ càng giảm khi tuổi càng cao. Vì vậy, không thể tránh tình trạng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, phải bố trí lại lao động. Vì vậy, cơ hội việc làm đối với lao động nữ là vô cùng khắc nghiệt. Sự thiệt thòi nhận thấy rõ khi ở độ tuổi này, chị em thường đã lập gia đình, có con nên càng vất vả, lại không tìm được việc làm nên cuộc sống càng bấp bênh.
Nhiều ý kiến lại cho rằng, nếu tiếp tục để tình trạng này diễn ra sẽ là sự lãng phí lớn cho xã hội. Tuy sức khỏe kém hơn so với tuổi trẻ, nhưng kinh nghiệm, ý thức kỷ luật và sự gắn bó với nghề của lao động nữ lớn tuổi thường cao hơn. Nhìn lại thị trường lao động hiện nay, sự mất cân đối cung - cầu lao động, sự khan hiếm nguồn lao động đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao tìm kiếm nhân lực. Vậy mà vẫn xảy ra tình trạng một lực lượng lao động không nhỏ đang có nguy cơ thất nghiệp. Sự lãng phí những lao động có kinh nghiệm này là hậu quả của quy luật khắc nghiệt về tuổi tác. Nhưng nếu các doanh nghiệp chịu sắp xếp lại cơ cấu hợp lý, sử dụng thế mạnh lao động ở từng công đoạn thì sẽ không xảy ra tình trạng doanh nghiệp cứ đi tìm lao động, còn lao động cứ thất nghiệp".
Thực tế đã có doanh nghiệp biết tái sử dụng nguồn lao động có sẵn nhưng số doanh nghiệp này rất ít. Trong hoàn cảnh ấy, công đoàn các doanh nghiệp, BQL KCN-CX và cao hơn nữa là các cơ quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp cần có định hướng và khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng lao động một cách hợp lý, hoặc có chính sách hỗ trợ lao động bị sa thải khi không đủ sức khỏe. Lao động nữ cũng cần tự lo cho nghề nghiệp của mình, có thể vừa làm, vừa học thêm một nghề tay trái phòng khi mất việc. Để giải quyết vấn đề này không thể giải quyết riêng lẻ từ cá nhân người lao động hay doanh nghiệp mà rất cần sự quan tâm đồng bộ, thực sự của các ban, ngành, các cơ quan chức năng và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.