(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động sống ở khu vực nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, TP đã triển khai nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng không ít người vẫn thờ ơ với cơ hội học nghề để kiếm việc làm.
Nông dân không thiết tha
Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa rất cao, khiến diện tích đất nông nghiệp tại nhiều địa phương ngày càng bị thu hẹp, hàng nghìn lao động nông thôn không còn đất sản xuất, rơi vào tình cảnh không có việc làm. Do đó, việc các cơ quan chức năng, đoàn thể, DN mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là "cơ hội vàng" giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Thế nhưng có một nghịch lý là mặc dù các cơ sở đào tạo đã có nhiều ưu đãi, nhưng không ít lao động nông thôn lại quay lưng với việc học nghề.
Một lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Cách đây 2 năm, gia đình anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) có 3 sào đất bị thu hồi để mở khu công nghiệp. Vợ chồng chỉ biết kiếm sống bằng nghề nông, không còn ruộng canh tác, trở nên thất nghiệp, sống chủ yếu bằng tiền hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng. Anh Hưng cho biết: "Không còn đất để trồng cấy, tôi có ý định mở tiệm sửa chữa điện tử để kiếm sống. Có lần UBND xã hướng dẫn tôi đến Trung tâm Dạy nghề huyện để đăng ký học nghề sửa chữa điện tử, thế nhưng học xong không thể sửa chữa được các thiết bị đời mới vì ở trung tâm mình chỉ được thực hành trên các thiết bị lạc hậu".
Chị Nguyễn Thị Hiệp, ngụ tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) rơi vào cảnh khác. Gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu đô thị mới, khi huyện mở lớp làm tóc cho lao động nông thôn, chị liền đăng ký học, nhưng: "Địa điểm học khá xa nên tôi không có điều kiện đi học thường xuyên. Vì ở nhà tôi còn phải lo nội trợ gia đình, chăm sóc, đưa đón con đi học nên đành phải bỏ học"… - chị Hiệp nói.
Có một thực trạng là phần lớn lao động nông thôn hiện không có điều kiện học các nghề dài hạn mà chủ yếu học các nghề ngắn hạn, nhất là lao động nữ luôn có tâm lý ngại xa nhà, sợ tốn kém nên không thiết tha với việc học nghề. Người tham gia học nghề cũng nhận chưa thật toàn tâm, toàn ý để học mặc dù được đào tạo miễn phí.
Tìm "đầu ra" cho lao động
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo và thông tin thị trường TP, trên địa bàn có khoảng 400 cơ sở dạy nghề với năng lực đào tạo hằng năm trên 40.000 học viên từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng nghề. Trong đó, riêng khu vực nông thôn có hơn 70 cơ sở dạy nghề với năng lực đào tạo hằng năm là 4.000 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 7.000 chỉ tiêu trung cấp và 30.000 chỉ tiêu sơ cấp nghề. Đây là lợi thế để triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại, nhóm nghề sửa chữa lắp ráp vi tính, tin học, sửa chữa xe gắn máy, điện tử dân dụng, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, sửa chữa xe ô tô, thiết kế, lắp đặt điện xí nghiệp, sửa chữa điện thoại di động, sửa máy may… đang thu hút lao động nông thôn vì dễ tìm được việc làm. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, để thu hút học viên cần phải cập nhật giáo trình, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng dạy và đặc biệt phải đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy học. Chẳng hạn như thị trường từ nhiều năm nay đã có ti vi LCD, LED, HD; điện thoại 3G, 4G; xe tay ga đời mới, phun xăng điện tử… nên học viên cũng phải được học thì mới có thể hành nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hơn nữa, việc dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn với lợi thế quy hoạch của từng nơi và quan trọng là tìm đầu ra cho lao động nông thôn.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động của TP mà còn tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông nghiệp - nông thôn, tạo công ăn việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây là vấn đề vô cùng cần thiết đối với người nông dân nói chung, đặc biệt là những người bị thu hồi đất. Do vậy, các trung tâm đào tạo nghề của TP cần đầu tư cơ sở vật chất, có phương pháp đào tạo phù hợp, tránh tình trạng người lao động nông thôn quay lưng lại với việc đào tạo, dạy nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.