(HNM) - Sắp tới giúp việc gia đình sẽ chính thức là nghề chuyên nghiệp, được công nhận bằng hợp đồng lao động với mức lương không thấp hơn lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước. Người giúp việc gia đình được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và có quy định cụ thể về thời gian làm việc, nghỉ ngơi…
Nhiều niềm vui, không ít lo ngại...
Nghị định 27 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình (NGVGĐ) có hiệu lực từ ngày 25-5 quy định rõ, người sử dụng lao động (chủ nhà) và NGVGĐ phải ký kết hợp đồng lao động, trong đó người lao động (NLĐ) được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần, được nghỉ 12 ngày phép nguyên lương mỗi năm và nghỉ lễ, Tết theo quy định. Nếu chủ nhà yêu cầu NGVGĐ làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng, họ phải trả chi phí làm thêm cho NGV. Chủ nhà có trách nhiệm chi trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho NGVGĐ theo quy định của Bộ luật Lao động. Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động, không được phép thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Chủ nhà và NGVGĐ thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của NLĐ nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động. Hình thức và thời hạn trả lương do hai bên thỏa thuận.
Đào tạo người giúp việc gia đình tại Công ty Perfect Việt. |
Có thể nói, đây là niềm vui cho hàng vạn lao động GVGĐ khi họ chính thức được công nhận như bao nghề khác. Những mặt lợi có thể nhìn thấy là NGVGĐ có thể thoát khỏi tâm lý là những lao động phi chính thức, là những "ô sin", thậm chí là những "công dân hạng hai"... Những lợi ích tiếp theo là ngoài mức lương thỏa thuận với chủ nhà (không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định). GVGĐ sẽ được nhận lương hưu khi về già. Về phía chủ sử dụng lao động, tâm lý NGV bỏ việc bất thường sẽ không còn xảy ra, mọi giao dịch đều phải tuân theo sự ràng buộc trong hợp đồng lao động có sự giám sát của UBND xã, phường, thị trấn nơi NLĐ làm việc.
Tuy nhiên, không ít những ý kiến lo ngại đã được bày tỏ. Hiện tại, lương cho NGV theo thị trường hiện nay dao động từ 3 triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng, mức chi phí thêm cho BHXH, BHYT là 600.000 đồng - 900.000 đồng mỗi tháng. Hơn nữa, quy định lại nêu rõ chủ sử dụng lao động trực tiếp trả tiền BHXH, BHYT cho NLĐ tự đóng, sẽ khó kiểm soát vì có thể NLĐ "ỉm" số tiền này vào túi riêng. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, từ trước đến nay, phần lớn GVGĐ đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nữ giới từ nông thôn, đa số mới tốt nghiệp cấp hai, không được đào tạo nghề GVGĐ nên rất thiếu chuyên nghiệp. Theo quy định, nếu NLĐ yêu cầu thì chủ nhà mới phải trả chi phí học nghề cho NLĐ. Nếu không có sự bắt buộc về tính chuyên nghiệp của nghề GVGĐ, ít nhất là khóa đào tạo ngắn hạn trước khi có nghề thì tình trạng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không thể tránh khỏi. Một lo ngại nữa là, quy định cho thấy hai bên ký kết hợp đồng lao động và thông báo với chính quyền sở tại. Tuy nhiên, các chế tài lại chưa được đề cập đến. Đây là điều mà hầu hết chủ nhà lo ngại.
Tạo nguồn cung có chất lượng
Trong khi đó, đề cập những quy định trong Nghị định 27, đại diện một số phường, xã tại Hà Nội lo ngại sẽ khó quản lý đối với GVGĐ vì họ làm việc trong các gia đình, khó phát hiện liệu hai bên có thực hiện đúng hợp đồng hay không. Vì vậy, dù có quy định mới nhưng vai trò của chính quyền sở tại chỉ dừng lại ở việc thống kê nhân khẩu trên địa bàn.
Theo bà Nelien Haspels, chuyên gia về giới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Châu Á - Thái Bình Dương thì việc ban hành nghị định về GVGĐ năm 2014 gửi đi một thông điệp, nghề GVGĐ khi được quy định cụ thể là một nghề chuyên nghiệp sẽ mang lại những lợi ích không nhỏ về kinh tế, xã hội cho các gia đình thuê NGV, cho bản thân NGV và cả xã hội. Điều đó thể hiện sự ghi nhận của Chính phủ với NGVGĐ, có ý nghĩa quan trọng để thị trường lao động có thể vận hành hiệu quả bằng cách tạo điều kiện để phụ nữ làm việc và duy trì năng suất lao động ngoài gia đình. Về những lo ngại của các chủ gia đình thuê NGV, bà Nelien Haspels cho rằng về lâu dài khi bảo đảm các quy định trong Luật Lao động, những vấn đề tồn tại nêu trên dần sẽ bị loại bỏ. NGVGĐ cũng buộc phải cam kết thực hiện những trách nhiệm của một người làm nghề. Và rõ ràng khi được pháp luật bảo vệ bình đẳng như những ngành nghề khác, nguồn lao động bổ sung vào nghề GVGĐ cũng sẽ tăng lên. Đại diện ILO cũng đánh giá việc thực thi những quy định sẽ là thách thức không nhỏ, tuy nhiên, việc công nhận LĐGVGĐ là một nghề đã là mốc thay đổi quan trọng cho thị trường lao động.
Theo thống kê của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động, trong năm 2015 sẽ có 246.000 người làm nghề GVGĐ. Con số này sẽ ngày càng tăng khi nghề GVGĐ được công nhận trong Luật Lao động. Hy vọng trong thời gian tới, những lo ngại của chủ sử dụng lao động và của NLĐGV sẽ được điều chỉnh để nghề GVGĐ thực sự chuyên nghiệp và không có những khoảng tối trong thị trường lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.