Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động chất lượng cao “lên ngôi”

Kim Vũ| 10/01/2017 07:11

(HNM) - Đó là nhận định của ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) về tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) thời gian tới, đặc biệt trong năm 2017. Điểm đáng chú ý là, dù yêu cầu về chất lượng lao động ngày càng cao từ các nước bạn, nhưng trong 3 năm liên tiếp từ năm 2014 đến

Một lớp học tiếng Nhật dành cho lao động xuất khẩu tại Công ty CP Nhân lực TTC Việt Nam.



Lao động Việt Nam được đánh giá cao

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc liên tục tăng trong 3 năm qua. Trong đó, Nhật Bản được xem là điểm sáng của XKLĐ Việt Nam vì đây là thị trường khó tính. Tuy nhiên, số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đã tăng từ 27.000 người năm 2015 lên gần 40.000 người trong năm 2016. Nhật Bản là thị trường "khó tính" nên đây là bước chuyển biến lớn về chất lượng của lao động Việt Nam trong năm qua, đặc biệt là ở vị trí điều dưỡng, hộ lý.

Tính từ thời điểm 2008, sau khi Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế (VJEPA), thỏa thuận về đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại nước này, cả nước đã tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật cho 4 khóa gồm 720 ứng viên. Trong số những người tốt nghiệp, đã có 470 ứng viên các khóa 1, 2, 3 được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Năm 2015-2016, các ứng viên, điều dưỡng Việt Nam thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản có tỷ lệ đạt yêu cầu là trên 40%, cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ đạt của ứng viên Philippines và Indonesia. Không chỉ về trình độ chuyên môn, phía Nhật Bản cũng đánh giá cao ý thức của lao động Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài là người Việt Nam luôn cao hơn so với các nước khác. Thậm chí, trong khóa đào tạo thứ tư, Việt Nam chỉ có 210 ứng viên được đào tạo nhưng phía Nhật Bản đã đề nghị phía Việt Nam cung ứng lên tới 760 người. Mức lương mà lao động Việt Nam được hưởng dao động từ 15 đến 45 triệu đồng/tháng.

Ngoài thị trường Nhật Bản, từ năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hợp tác với Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn ứng viên điều dưỡng Việt Nam đưa sang học tập và làm việc tại nước này. Trong 2 năm triển khai thí điểm (2013 và 2014), 200 điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc tại CHLB Đức được nước bạn đánh giá tốt. Sau giai đoạn thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức đã ký Ý định thư chung về những nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn học viên một cách công bằng để đào tạo trong ngành chăm sóc người già tại CHLB Đức. Ý định thư này là cơ sở để thực hiện các dự án hợp tác tuyển chọn ứng viên một cách công bằng và minh bạch để đào tạo trong các ngành nghề điều dưỡng khác. Hiện có 116 học viên khóa 3 đang học tiếng Đức từ tháng 8-2015. Lao động có thể được hưởng mức lương đến 50 triệu đồng/người/tháng.

Thời điểm vàng

Ông Phạm Viết Hương cho biết, những người có chuyên môn cao có cơ hội lớn đi làm việc tại nước ngoài. Nhiều cơ hội mới đang đón đợi người lao động ngay trong thềm năm 2017. Cụ thể, cuối năm 2016, Nhật Bản vừa thông qua luật mới cho phép kéo dài thời hạn lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận nghề hộ lý điều dưỡng. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ cấp thẻ xanh cho nguồn nhân lực có tay nghề cao chỉ sau 1 năm làm việc thay vì 5 năm như hiện nay. Với lợi thế được đánh giá cao ở Nhật Bản, lao động Việt Nam có thêm nhiều cơ hội lưu trú vĩnh viễn tại nước này. Tương tự, Việt Nam đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại nước này. Ngoài lĩnh vực điều dưỡng, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu lớn về các kỹ sư có tay nghề cao khác.

Theo ông Phạm Viết Hương, hiện tại cũng như thời gian tới, cơ hội cho lao động có trình độ là rất lớn song Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng. Nếu người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, ngoài sức khỏe cần phải chuẩn bị thêm những kỹ năng cần thiết về ngoại ngữ, chuyên môn nghề nghiệp… Các doanh nghiệp XKLĐ, cũng cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở đào tạo, giảng dạy để đào tạo được những lao động trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước.

Các chuyên gia cho rằng, người lao động sang làm việc không chỉ để nhận lương cao, mà đó là cơ hội để được đào tạo, học hỏi, nâng cao tay nghề, kỹ thuật và ý chí nhằm hướng đến xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Các kỹ sư, lao động có trình độ cao nếu được làm việc ở các nước phát triển thì khi về Việt Nam, sẽ vận dụng phục vụ cho nền kinh tế nước nhà, nhất là các ngành nghề trọng điểm. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần sự liên kết chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có thể xây dựng được khung trình độ nghề quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương đương các nước trong khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động chất lượng cao “lên ngôi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.