Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lành mạnh hóa dịch vụ karaoke, vũ trường

Mai Thành - Thanh Thủy| 30/06/2019 06:32

(HNM) - Giấy phép kinh doanh không quy định thời hạn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe…, khiến công tác quản lý dịch vụ karaoke, vũ trường thời gian qua còn nhiều vướng mắc.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại một quán karaoke.


Tràn lan vi phạm, khó xử lý

Do cải tạo từ nhà ở, cơ sở karaoke Lê Thanh Giang tại thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) có nhiều phòng hát nhỏ hẹp, diện tích không bảo đảm 20m2 theo quy định hiện hành. Nơi đây cũng không bảo đảm các điều kiện phòng cháy cơ bản như đèn báo động, họng nước chữa cháy, bình cứu hỏa...; trong khi lối thoát hiểm tận dụng từ hệ thống thang bộ, không có khả năng chống khói.

Anh Nguyễn Văn D là người dân sinh sống ở gần cơ sở cho biết, địa chỉ này đã nhiều lần bị Công an huyện, thị trấn kiểm tra, xử phạt, thậm chí có quyết định tạm đình chỉ hoạt động để khắc phục, tuy nhiên họ vẫn lén lút kinh doanh.

Tương tự, cơ sở Karaoke Palace trên địa bàn phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ cũng không bảo đảm nhiều điều kiện để được tổ chức dịch vụ, như: Diện tích, ánh sáng, vệ sinh môi trường, không lối thoát hiểm… Ngoài cơ sở này, còn có gần 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn đã từng bị xử phạt.

Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Đội phó Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 1.200 cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động thì chỉ riêng năm 2018, đã có gần 900 lượt cơ sở bị xử lý vì không bảo đảm các điều kiện kinh doanh, trong đó có những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Từ đầu năm 2019 đến nay, cũng đã có hàng chục cơ sở bị xử lý.

Trên phạm vi cả nước, theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), hiện có hơn 17.000 cơ sở karaoke, gần 80 vũ trường lớn, nhỏ, trong đó chiếm hơn nửa số cơ sở karaoke vi phạm các lỗi về diện tích cũng như phòng cháy, chữa cháy. Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bùi Quang Việt cho rằng, nguyên nhân là hầu hết cơ sở karaoke đều được cải tạo từ nhà ở, hoặc các công trình khác không phù hợp với mục đích kinh doanh dịch vụ.

Ngoài những tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tệ nạn xã hội. Theo Thượng tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (Công an thành phố Hà Nội), do mức xử phạt hành chính không đáng kể so với lợi nhuận từ hoạt động bất hợp pháp mang lại, nên nhiều chủ cơ sở cố tình tổ chức hoạt động quá giờ quy định, khiến việc ngăn chặn tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp.

Không ít cơ sở tìm cách đối phó với lực lượng chức năng bằng việc tổ chức cho nhân viên canh gác, lắp đặt camera, hệ thống báo động, chốt cửa bên trong... Khi bị phát hiện sai phạm, các chủ cơ sở sẵn sàng viết cam kết, nộp phạt, sau đó đâu lại vào đấy.

Cùng với lỗi mở cửa quá giờ, thiếu trách nhiệm trong quản lý dịch vụ, để khách hàng sử dụng chất cấm, mức xử phạt việc không ký hợp đồng lao động với nhân viên và thiếu các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy… vẫn còn thấp, nên chủ cơ sở để vi phạm tồn tại dai dẳng, không chịu khắc phục. Theo Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Văn Thưởng, việc chưa có quy định về thu hồi giấy phép kinh doanh là khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả xử lý.

Gắn trách nhiệm, siết chặt điều kiện kinh doanh

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke tại quận Hoàn Kiếm.


Trước diễn biến phức tạp của hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, ngày 19-6-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường (Nghị định số 54/2019/NĐ-CP). Trong đó, yêu cầu siết chặt điều kiện kinh doanh, gắn trách nhiệm chủ cơ sở với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã được quy định rõ trong Nghị định này, như: Không lắp đặt chốt cửa, thiết bị báo động (trừ báo động cháy) bên trong phòng hát, vũ trường; không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người dưới 18 tuổi; không hoạt động từ 0h đến 8h sáng đối với dịch vụ karaoke và từ 2h đến 8h sáng với dịch vụ vũ trường...

Đặc biệt, Nghị định số 54/ 2019/NĐ-CP đã quy định về việc tạm dừng, thu hồi giấy phép kinh doanh khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh không bảo đảm các điều kiện. Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, những quy định về tạm dừng kinh doanh, thu hồi giấy phép sẽ có tác động trực tiếp tới việc tổ chức các dịch vụ có tính chất nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như karaoke và vũ trường, từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc gìn giữ trật tự, an ninh, an toàn khu vực tổ chức dịch vụ.

Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện tới các tổ chức, cá nhân và người dân.

Mặt khác, Bộ cũng có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện kinh doanh, nhắc nhở chủ cơ sở bổ sung, sửa đổi các điều kiện còn thiếu hoặc chưa đúng, bảo đảm các yêu cầu trước khi Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9-2019.

Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, ngành Văn hóa Hà Nội cũng đang yêu cầu phòng văn hóa - thông tin các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đến mọi người dân. Phối hợp với các ngành liên quan, nhất là Công an thành phố đôn đốc các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm.

Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, Công an thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất, có biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh những nơi không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật.

Hành lang pháp lý đã có. Hy vọng, sự hợp tác, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ cơ sở và người dân sẽ góp phần mang lại môi trường lành mạnh, đúng nghĩa cho hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lành mạnh hóa dịch vụ karaoke, vũ trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.