(HNM) - Không tới Mátxcơva tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc (9-5), nhưng một ngày sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Nga và đặt hoa tại Đài liệt sĩ vô danh, tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống phát xít, có cuộc hội đàm
Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống V.Putin đã có cuộc hội đàm khá khó khăn tại Mátxcơva. |
Động thái này được xem là trái ngược với hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây (không tới Nga vì những căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine). Có thể nói, chuyến đi không mấy dễ dàng này của nữ Thủ tướng Đức A.Merkel cho thấy vai trò ngày càng tăng của Đức trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là sứ mệnh cân bằng ngoại giao toàn cầu.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bùng phát vào cuối năm 2013, chính bà A.Merkel là nhà lãnh đạo kiên trì nhất trong các cuộc đối thoại với "ông chủ" điện Kremlin. Các con số thống kê cho thấy, năm 2014, bà A.Merkel và ông V.Putin đã gặp nhau 4 lần, chưa kể 34 cuộc hội đàm qua điện thoại. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, hai nhà lãnh đạo đã có 2 cuộc gặp gỡ và có 16 cuộc đàm thoại. Có một điều không thể phủ nhận là các cuộc đàm thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Đức đã góp phần mang đến thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine được ký kết tại Minsk (Belarus) hồi tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, chặng đường mang đến hòa bình thực sự cho đất nước bên bờ Biển Đen vẫn còn đầy chông gai, đồng nghĩa với việc mối quan hệ băng giá giữa Nga với các nước phương Tây, trong đó có Đức, chưa biết khi nào mới có thể được nối lại bình thường.
Đã có lúc, Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức A.Merkel được cho là những "người bạn" tin tưởng, lắng nghe lẫn nhau, nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi cuộc cách mạng có tên Maidan nổ ra tại Ukraine. Điều này thể hiện rất rõ qua các cuộc hội đàm căng thẳng giữa "người đàn ông quyền lực nhất thế giới" và "người đàn bà thép" Châu Âu. Và kết quả cuộc gặp gỡ tại Mátxcơva lần này cũng không có gì đáng kể. Vẫn là những bất đồng quan điểm "muôn thuở" về tình hình Ukraine. Tổng thống V.Putin cho rằng, nhiệm vụ duy trì thỏa thuận ngừng bắn Minsk thuộc về chính phủ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Nga chỉ có thể cố gắng tác động đến lãnh đạo phe ly khai ở Donetsk và Luhansk, đồng thời yêu cầu Kiev thực hiện các điều kiện trong thỏa thuận Minsk như dỡ bỏ lệnh phong tỏa kinh tế, khôi phục các dịch vụ ngân hàng ở Donbass, tiến hành cải cách hiến pháp. Còn Thủ tướng A.Merkel, cũng như nhiều lãnh đạo phương Tây khác, cho rằng Nga có trách nhiệm trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, đề nghị Mátxcơva khôi phục lại toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không chỉ khu vực miền Đông mà còn cả bán đảo Crimea đã sáp nhập vào LB Nga hồi tháng 3-2014.
Đức là quốc gia Châu Âu có quan hệ thương mại gắn bó hàng đầu với Nga, do vậy cuộc khủng hoảng tại Ukraine, kèm theo đó là các lệnh trừng phạt kinh tế của cả phương Tây và Nga dành cho nhau, đã gây thiệt hại không nhỏ cho hợp tác song phương giữa hai quốc gia. Dữ liệu gần đây cho thấy, Đức đã đầu tư 21 tỷ USD vào nền kinh tế Nga và hiện đang có hơn 6.000 công ty liên doanh với Đức đang hoạt động ở xứ sở Bạch dương, trong đó có khoảng 800 công ty 100% vốn của Đức. Ở chiều ngược lại, Nga đã đầu tư vào Đức khoảng 850 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2014, lần đầu tiên trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã giảm 6,5%, xuống còn 70,1 tỷ USD.
Nếu các cuộc đối thoại giữa Tổng thống V.Putin và các nhà lãnh đạo Châu Âu, trong đó Đức là "đầu tàu" tiếp tục không có tiến triển khả quan, không loại trừ khả năng trong thời gian tới, sẽ có thêm biện pháp trừng phạt được hai bên thực hiện. Như vậy, thiệt hại càng khó có thể đong đếm trong bầu không khí chính trị căng thẳng bao trùm thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.