Dự thảo Luật Cảnh vệ vừa được trình Quốc hội ngày 31/10 quy định cụ thể biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Một trong những nguyên tắc của công tác cảnh vệ là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và các hành vi khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
Dự thảo thiết kế một chương riêng với 6 điều quy định cụ thể đối tượng cảnh vệ và các biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ.
Theo đó, đối với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ là: Bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi ở, nơi làm việc;
Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, chất nổ, chất cháy, các chất độc sinh, hóa học và chất phóng xạ; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; Tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết;
Khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe Cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ và được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ;
Ngoài ra, các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và Luật an ninh quốc gia cũng sẽ được áp dụng.
Lực lượng cảnh vệ Việt Nam trong tình huống diễn tập khống chế đối tượng (Ảnh: Tiền Phong) |
Với đối tượng cảnh vệ là nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ sẽ được bảo vệ tiếp cận; Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang canh gác thường xuyên tại nơi ở và tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết.
Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, ngoài được bảo vệ tiếp cận sẽ bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang canh gác thường xuyên tại nơi ở và nơi làm việc; Tăng cường lực lượng, phương tiện bảo vệ khi cần thiết; Khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô phục vụ công tác trong nước được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và Luật an ninh quốc gia cũng sẽ được áp dụng.
Dự thảo luật cũng quy định rõ biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ngoài bảo vệ tiếp cận còn bố trí lực lượng vũ trang canh gác trong trường hợp tại nơi ở, nơi làm việc hoặc khu vực mà đối tượng cảnh vệ đang hoạt động có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự; Khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô phục vụ công tác trong nước được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết...
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến đồng ý với các biện pháp, chế độ cảnh vệ như dự thảo Luật vì cho rằng, các quy định này phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác, tình hình an ninh, chính trị và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát các biện pháp cảnh vệ cho phù hợp với pháp luật hiện hành, nhất là Luật Công an nhân dân và Luật an ninh quốc gia; quy định cụ thể nội dung các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm quyền cá nhân của đối tượng cảnh vệ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.