(HNMĐT)- Làng Trung Quan đầu thế kỷ thứ XIX là một xã thuộc tổng Đại Quan, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh.
![]()
(HNMĐT)- Làng Trung Quan đầu thế kỷ thứ XIX là một xã thuộc tổng Đại Quan, huyện Văn Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh.
Trong kháng chiến chống Pháp, Trung Quan nằm trong xã .... huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Tháng 5 - 1961, xã Văn Đức được chuyển về huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội.
Trung Quan là một làng nhỏ (năm 1928, làng có 858 nhân khẩu, nằm ven sông Hồng. Bên kia sông là các làng Khuyến Lương, Đại Lan, Tiểu Lan của huyện Thanh Trì. Dân làng sống bằng nghề trồng các loại hoa màu ven sông và đánh cá, khai thác củi gỗ trôi trên sông trong mùa mưa lũ. Hàng năm, vào mùa lũ, nước sông Hồng dâng lên làm xói lở đất bãi, hoa màu, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống. Đất đai trong làng chủ yếu là đất bãi ven sông (550 mẫu), thường xuyên được bồi hoặc bị lở nên đều thuộc công hữu của cả làng. Làng dành ra 57 mẫu dùng vào vịêc thờ cúng, còn 493 mẫu chia cho các trai đinh từ 18 đến 60 tuổi, cứ 9 năm chia lại một lần.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, lệ tục làng Trung Quan cũng khá nặng nề. Người có phẩm hàm, khoa mục, chức tước mới có ngôi thứ chính thức trong đình; người không có các tiêu chuẩn đó phải nội 100 đồng (tiền những năm 30 của thế kỷ trước), lại phải khao vọng rất nặng. Người lên lão cũng phải chịu những lệ tục nặng nề : đến tuổi 50 phải sửa lễ trầu cau và nộp 6 đồng bạc trình làng mới được ngồi vào hàng lão; đến 55 tuổi phải khao lão (khao hàng lão và các kỳ mục), nếu không khao phải nộp 25 đồng bạc, nếu nghèo quá có thể cho giảm xxuống 15 đồng, nếu không có tiền nộp thì suốt đời phải ngồi ở hàng cuối trong nóc lão.
Làng Trung Quan có ngôi đình được dựng vào thế kỷ XVII, đến nay vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Đình gồm các bộ phận chính là Tiền tế, Phương đình, nhà Trung tế và Hậu cung. Trong đình còn lưu 18 đạo sắc của các triều vua phong cho các vị thần, 1 bản thần phả và 1 bản hương ước ghi chép về các lệ tục của làng.
Đình làng thờ 3 vị thần. Vị thần đầu tiên (bản cảnh thành hoang) là Đông Chinh đại vương. Ông là con trai thứ của Vua Lý Thái Tổ, từng theo vua cha đi đánh dẹp các cuộc nổi loạn của một số tù trưởng thiểu số ở Vân Châu (vùng huyện Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc thuộc tỉnh Lạng Sơn hiện nay). Nhưng sau khi Lý Thái Tổ mất (năm 1028), ông cùng hai người em là Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương nổi loạn để giành lại ngôi vua từ tay Thái tử Phật Mã (tức Vua Lý Thái Tông), sữ cũ gọi là “loạn ba vương”. Cuộc nổi loạn bị thất bại. Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương sớm ra đầu hàng nên được ân xá và được phục hồi chức tước.
Vị thần hai là Sơn thần, tức thần núi Đồng Cổ. Việc thờ này có liên quan đến vị thần Đông Chinh Vương...
Vị thần thứ ba Cảm Linh đại Linh đại vương không rõ sự tích. Các lễ tiết chính trong năm của làng là 9 và 10 tháng Hai, mồng 10 tháng Tám. Ngày nay, cùng với các làng khác trong xã Văn Đức, làng Trung Quan là cung cấp vùng rau xanh cho nội thành.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính.