Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng quê rộn rã lời ca

Tư Văn| 02/12/2012 07:06

(HNM) - Giữa cánh đồng lá dong bạt ngàn xanh mát, giữa những luống ngô đang trổ thêm bông, trong vườn cam Canh, bưởi Diễn trầm bổng vang lên tiếng hát chèo và những điệu dân ca tình tứ thiết tha.

Nguồn cảm hứng "chẳng giống ai" đó luôn văng vẳng vang lên ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai mỗi khi các bà, các chị đi làm đồng, giúp vơi đi những nhọc nhằn lo toan của cuộc sống thường nhật, khiến cuộc sống đáng yêu hơn.

Một buổi tập của đội văn nghệ Tràng Cát tại đình làng. Ảnh: Văn Thành


Khi Tràng Cát được huyện Thanh Oai công nhận làng văn hóa, cả thôn họp bàn với nhau thành lập một đội văn nghệ, với suy nghĩ giản đơn, không có văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần thì không thành làng văn hóa. Vậy là những người yêu thích văn nghệ, biết hát, biết nhạc đã tề tựu nhau lại góp vui cho thôn như ông Nguyễn Văn An chơi đàn tam, đàn nguyệt; ông Nguyễn Đình Gia kéo đàn nhị; Nguyễn Hữu Hiếu đánh trống chèo; Nguyễn Thị Tuyên hát chèo, chầu văn; Dương Thị Én, Nguyễn Thị Phú hát dân ca, ca mới…

Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền xã Kim An và thôn Tràng Cát, đội văn nghệ của hội người trung - cao tuổi Tràng Cát ra đời, gồm 17 thành viên. Cái khó của đội văn nghệ Tràng Cát là toàn diễn viên lớn tuổi tham gia, người cao tuổi nhất đã ngoài 70, thấp nhất là 45, tác phong chậm, dáng điệu cứng, giọng hát yếu, lại thiếu người truyền dạy, chỉ bảo. Tuy nhiên, bù lại ở họ lại có được sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đội văn nghệ Tràng Cát tổ chức sinh hoạt vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại đình làng. Ban ngày, các ông, các bà tay cuốc tay liềm làm việc ngoài đồng, tối đến lại luyện tập hăng say.

Là một vùng quê truyền thống trồng lá dong, rau màu... tất bật quanh năm nên vào dịp ngày mùa bà con tranh thủ làm rau xong mới đi hát hoặc hát xong về lại mới làm rau cho kịp buổi chợ sớm mai. Với phương châm, người biết trước dạy người biết sau, người biết nhiều dạy người biết ít, các thành viên trong đội hầu hết đều tự biên tự diễn hoặc học theo băng đĩa, theo ti vi rồi truyền dạy cho nhau. Tập luyện văn nghệ nhiệt tình đến mức, chồng của diễn viên Nguyễn Thị Tuất - là một “fan” hâm mộ của đội văn nghệ, tối nào cũng vậy ông cứ đều đặn đèo bà đến tập, thay bà làm hết công việc nhà sau đó lại đến đón. Ông Nguyễn Văn An, tuổi ngoài 70 tập luyện nhiệt tình, đến ngày đi diễn trên huyện thì ông bị ốm, thế là cứ ngồi tiếc ngẩn tiếc ngơ, nghĩ đến tiếng trống chèo rộn rã ông không tài nào ngủ được…

Cứ thế, đội văn nghệ Tràng Cát thành lập, duy trì, hoạt động hiệu quả từ sự đam mê, nhiệt tình ấy của mỗi thành viên. Hỗ trợ đội văn nghệ Tràng Cát, mỗi năm UBND xã Kim An đều cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, quần áo biểu diễn và cấp cho mỗi diễn viên 50kg thóc. Kinh phí ít ỏi, nhưng đây là nguồn động viên lớn để các thành viên đội văn nghệ nâng cao ý thức trách nhiệm và gắn bó với phong trào. Giờ đây, Tràng Cát vinh dự là đội văn nghệ nòng cốt của huyện Thanh Oai. Năm 2011, Tràng Cát đại diện cho huyện Thanh Oai tham gia hội diễn chèo không chuyên thành phố Hà Nội với tiểu phẩm chèo "Chuyện nhà ông Chẫu" đạt giải khuyến khích toàn đoàn và giải A2 cá nhân cho diễn viên Dương Thị Én.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng quê rộn rã lời ca

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.