Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng quê đổi mới

Nhóm PV Ban Nông nghiệp - Nông thôn| 27/07/2018 06:44

(HNM) - Từ những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, đã có rất nhiều đổi thay ở các miền quê.


Ông Phùng Khắc Khiêm, thôn Vật Lại 1, xã Vật Lại (huyện Ba Vì):
Đời sống văn hóa ngày càng văn minh


Sau 10 năm, xã Vật Lại đã có nhiều chuyển biến rất đáng tự hào. Nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được thành phố quan tâm đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu sản xuất, đi lại, học tập, thụ hưởng văn hóa, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì).


Đáng chú ý, đó là sự thay đổi mạnh mẽ về mặt nhận thức của nhân dân địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Trước đây, nhân dân Vật Lại còn duy trì nhiều hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, lễ hội và mừng thọ… Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hiện nay, người dân đã xóa bỏ các hủ tục: Bắc cầu, đội mũ rơm, lăn đường, chèo đò, không cử nhạc hiếu sau 22h đêm và trước 5h sáng... Về vệ sinh môi trường, nếu trước đây, nhân dân còn thói quen xả rác bừa bãi thì hiện nay các hành vi này đã cơ bản chấm dứt. Những thay đổi này không chỉ tạo diện mạo mới cho quê hương Vật Lại anh hùng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh người dân Thủ đô văn minh, hiện đại…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức):
Miền quê đáng sống


Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, thấy bao sự đổi thay kỳ diệu trên địa bàn xã Yên Sở: Kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự xã hội được ổn định và giữ vững. Nhờ nguồn lực hỗ trợ của thành phố, không riêng xã Yên Sở mà các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung kinh tế cao của huyện Hoài Đức cũng đang trên đà phát triển theo hướng hiện đại; mang dấu ấn đậm nét của nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nhiều làng quê của huyện Hoài Đức thật sự đã trở thành miền quê đáng sống.

Hiện hệ thống đường giao thông nông thôn ở xã Yên Sở đã được bê tông hóa, quy hoạch bài bản ngăn nắp, thông thoáng, nhiều hạng mục công trình được thành phố, huyện Hoài Đức và nhân dân địa phương quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng khang trang sạch đẹp. Trong đó có 3 ngôi trường: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và nhiều công trình phúc lợi phục vụ dân sinh. Hệ thống trường học ở xã Yên Sở rộng rãi với đầy đủ trang thiết bị dạy và học, làm nức lòng nhân dân... Chặng đường 10 năm so với lịch sử thành phố là quá ngắn, nhưng vẫn là một thời kỳ hết sức quan trọng, đánh dấu sự khởi sắc của vùng đất này.

Ông Tạ Đình Quý, xã Đông Yên (huyện Quốc Oai):
Phát triển vượt bậc trên tất cả các mặt


Là xã thuần nông với dân số đông, hơn 14.000 người và có nền kinh tế khó khăn, nhưng khi sau điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, mức tăng trưởng kinh tế hằng năm của Đông Yên đạt từ 10% trở lên. Thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, năm 2017, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Không những thế, an sinh xã hội được bảo đảm, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, nhất là các đối tượng chính sách, người có công. Mỗi năm đều có những đợt thăm khám sức khỏe định kỳ cho người dân địa phương. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư phát triển, đặc biệt từ khi tuyến đường 421B nối giữa thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) được hoàn thành, cộng với hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa và giải quyết công việc của người dân.

Có thể thấy, 10 năm qua, xã Đông Yên đã có những bước phát triển vượt bậc về tất cả các mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng quê đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.