(HNM) - Cứ như đã thành thông lệ: Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nào cũng phải có một sự kiện gây sốc không chỉ dư luận, mà ngay cả các chuyên gia trong ngành. Năm nay, đó là quyết định của Bộ GD-ĐT không phát hành cuốn
Xin phép không bàn đến tại sao Bộ lại giao quyền ấn hành cuốn đó cho các sở GD-ĐT, những nỗi khổ của địa phương, những rối loạn trên thị trường sách giáo dục do quyết định đó gây ra, chúng tôi xin nói tới sự lãng phí và quan liêu khi in cuốn gọi là "Cẩm nang" ấy.
Hệ thống giáo dục của nước ta hình thành ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, từ cấp 1 tới đại học. Trong hơn ba mươi năm, trải qua hai cuộc kháng chiến, đã không ít những tài năng lớn, tầm cỡ quốc tế về mọi lĩnh vực, đã được đào tạo trong hệ thống ấy mặc dù hầu như không thay đổi sách giáo khoa, phương thức đào tạo. Nhưng chuyện gì đã xảy ra với hệ thống giáo dục nước nhà từ khi bắt đầu cải cách chừng ba chục năm trước? Đừng nói ông bà, cha mẹ mà cả anh chị cũng chịu không thể giúp được các em vì cách dạy và học thay đổi quá nhanh, gần như mỗi năm một kiểu. Tại sao con em chúng ta bây giờ cận thị sớm thế và nhiều thế dù điều kiện học tốt hơn nhiều so với những năm chiến tranh...
Trở lại chuyện "Cẩm nang" cũng như sách giáo khoa. Theo cách hiểu thông thường, cẩm nang cũng như sách giáo khoa phải là một quyển sách nền tảng, mang tính định hướng lâu dài, có tính chất như một "bộ luật" vậy. Có luật nào mỗi năm thay một lần? Làm sao có thể xảy ra chuyện năm trước anh thi vào trường A, năm sau em cũng thi vào trường đó mà cẩm nang sách giáo khoa của anh thì em không dùng được? Vậy mà chuyện đó đang xảy ra. Vì sao? Vì chính các nhà hoạch định cũng không tin vào những gì mình làm cho năm ngoái có đúng cho năm nay không (vì năm nào cũng có thay đổi) nên tốt nhất là cứ thay đổi. Hay, như nhiều người đặt vấn đề, là nếu sách giáo khoa, cẩm nang in một lần cho cả chục năm thì các nhóm lợi ích sẽ chẳng được gì?
Các chuyên gia giáo dục không hoạch định được chiến lược đào tạo lâu dài, ổn định, nhất quán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta nên đã buộc phải sử dụng biện pháp tình thế, giật gấu vá vai, thậm chí đẽo cày giữa đường... Và do đó khả năng hoạch định, tổ chức, quản lý có hạn, cũng như chất lượng giáo dục, đào tạo yếu kém được thay bằng số lượng trường, sinh viên tăng nhanh chóng mặt. Và các chương trình cải cách giáo dục thay đổi hầu như mỗi năm. Bị động, họ cho in sách giáo khoa, cẩm nang, nhưng ngay cả cái đó làm cũng không tốt, vừa chậm, vừa thiếu thông tin, vừa sai.
Thực chất cuốn gọi là "Cẩm nang" ấy hoàn toàn không cần hoặc nếu có thì chỉ cần in một lần cho nhiều năm, và nếu có gì mới thì có thể thông báo ngay cho học sinh lớp 12 nếu chương trình giáo dục của chúng ta không xoay như chong chóng.
Việc biên soạn và ấn hành "Cẩm nang" và sách giáo khoa hằng năm thực tế là một biểu hiện sự yếu kém của ngành giáo dục trong hoạch định chiến lược và sách lược giáo dục. Nó rất lãng phí tiền của, sức lực của xã hội, nhân dân, người đóng thuế...
Nếu nhìn nhận nghiêm túc, đó là một trong những việc cần loại bỏ nhanh chóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.