(HNM) - Với nhiều nước trên thế giới, rác thải đang dần trở thành nguồn tài nguyên quý, là nguyên liệu cho công nghiệp năng lượng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, điều này chưa được áp dụng nhiều ở nước ta trong khi vấn nạn rác thải đang trở thành nỗi lo của hầu hết đô thị.
Quá tải rác thải
Dự báo đến năm 2012, Hà Nội sẽ không còn chỗ tập kết rác thải trong khi khối lượng rác tăng trung bình 15% năm. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ước đạt 5.000 tấn/ngày đêm. Tại TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có hơn 7.000 tấn rác được thải ra môi trường và tiêu tốn của ngân sách khoảng 235 tỷ đồng/năm cho công tác xử lý. Tuy nhiên, 98% lượng rác vẫn được chôn lấp với công nghệ thô sơ nên thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là nước rỉ rác thải.
Xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, Sóc Sơn. Ảnh: Phương An
TS. Nguyễn Trung Việt (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) cho biết, tất cả cơ sở công nghiệp của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều phát sinh chất thải công nghiệp (CTCN) và chất thải nguy hại. Khối lượng CTCN tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 900-1.200 tấn/ngày, trong khi con số này ở Hà Nội và Đà Nẵng lần lượt là khoảng 70-100 tấn/ngày và 20-30 tấn/ngày. Đáng lưu ý, khối lượng CTCN có thể cháy, tạo ra nguồn năng lượng mới chiếm 50-70% tổng lượng chất thải. Riêng Hà Nội, trong hàng vạn doanh nghiệp mới có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Theo các chuyên gia về môi trường, đầu tư một lô chôn lấp rác thải rộng 5ha sẽ mất khoảng 5 tỷ đồng. Việc mở rộng diện tích chôn lấp rác gây lãng phí tài nguyên, tốn kém công thu gom, vận chuyển, diện tích chôn lấp... Giải pháp phổ biến nhất hiện nay là chôn lấp đang nảy sinh nhiều hệ lụy. Trong khi đó, tiến độ dự án xây dựng nhà máy xử lý, chôn lấp rác đang gặp không ít khó khăn. Do đó, giải quyết bài toán về rác thải nên tập trung vào vấn đề công nghệ xử lý.
Hiện nay, một trong những công nghệ xử lý rác được áp dụng rộng rãi trên thế giới là đốt chất thải tái tạo năng lượng (waste to energy - WtE). Ngoài việc "biến" rác thải trở thành nguồn năng lượng phục vụ trở lại cho con người, công nghệ này có ưu điểm là không cần phân loại rác thải tại nguồn; nhiệt từ đốt rác tạo ra điện năng tiêu thụ phục vụ cho nhà máy và bổ sung cho lưới điện quốc gia. Ngoài ra, phần nhiệt dư được đưa vào cung cấp sưởi ấm, đun nước nóng cho đô thị hoặc các khu công nghiệp sử dụng hơi nước có áp. Chất thải sau khi đốt sẽ được sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Rào cản kinh phí
Tại cuộc hội thảo về công nghệ WtE tổ chức mới đây, các chuyên gia khoa học môi trường đều cho rằng, đã đến lúc nước ta cần xác định rác thải là một dạng tài nguyên và xử lý vấn đề này theo công nghệ WtE là một trong những hướng khả thi. Tuy nhiên, băn khoăn lớn khi áp dụng công nghệ này ở Việt Nam chính là kinh phí.
Ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng) khẳng định, chi phí để xử lý chất thải rắn theo công nghệ này, kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng không làm được. Cơ chế về chính sách có nhiều nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận. Lựa chọn công nghệ nào phù hợp là của chính quyền địa phương và nhà đầu tư, tuy nhiên việc xã hội hóa công tác xử lý rác thải là việc cần làm. Ông Nguyễn Trung Hòa cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị ở Việt Nam cũng đang phát triển công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng với đầu tư thấp (35.000 USD/tấn), chỉ bằng 1/10 so với công nghệ WtE của Mitsubitshi (Nhật Bản) áp dụng tại nhà máy ở Ma Cao - Trung Quốc (420.000 USD/tấn).
GS-TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - VACNE) cho biết, để ứng dụng đốt rác thải thu năng lượng ở Việt Nam, việc phân loại rác thải phải được thực hiện tốt theo hướng loại bớt độ ẩm trong rác, chỉ chọn những loại rác thải có nhiệt trị cao... Kinh nghiệm của các nước châu Âu cho thấy, chỉ nên áp dụng đốt rác thu điện, khi khối lượng rác lớn, công suất lớn. Ngoài ra, nên chú trọng lựa chọn và đầu tư công nghệ đốt chất thải phát điện thuộc hàng tiên tiến trên thế giới, để tránh rủi ro khi đi vào vận hành. Đặc biệt, công nghệ này chỉ nên áp dụng ở vùng kinh tế phát triển, đông dân, rác có nhiệt trị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. "Nhìn về mặt hiệu quả kinh tế, phương pháp đốt chất thải tạo năng lượng như công nghệ WtE không có lợi thế. Nhưng nếu quan tâm tới những hiệu quả ẩn, phương pháp này sẽ để lại môi trường sạch cho thế hệ tương lai, là đầu tư cho phát triển bền vững. Do đó, Nhà nước nên có chính sách trợ giá cho các doanh nghiệp để khả năng ứng dụng công nghệ này ở Việt Nam sẽ cao hơn" - GS-TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.
Theo chủ trương của Chính phủ, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải hình thành một nền công nghiệp môi trường, phấn đấu giảm thiểu lượng rác chôn lấp xuống chỉ còn từ 10% đến 15% nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm, tiết kiệm diện tích đất. Công nghệ WtE tuy không còn mới trên thế giới, nhưng việc xem xét tính phù hợp và khả thi của công nghệ này đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải ở Việt Nam là điều đáng làm.
Tại Mỹ có khoảng hơn 100 nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ WtE. Anh, Đức, Pháp có hơn 60 nhà máy ở mỗi nước. Tại châu Á, đi đầu là Nhật Bản với hơn 80 nhà máy; Trung Quốc, Hàn Quốc với gần 20 nhà máy ở mỗi nước. Trong khối ASEAN, Singapore và Thái Lan cũng đều có 3 nhà máy áp dụng công nghệ này.
Nguồn: VACNE
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.