(HNM) - Huyện Quốc Oai có 61/94 làng có nghề, trong đó 16 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Nhìn chung, làng nghề phát triển đã giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động, với thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng, song người dân huyện Quốc Oai đang phải đối mặt vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm trầm trọng
Gây ô nhiễm nghiêm trọng là nhóm làng nghề chế biến nông sản; nhóm làng nghề chế biến lâm sản, mộc dân dụng cũng gây ô nhiễm môi trường không kém. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nước thải chung ở các cụm làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai đang ở mức báo động với nhiều chỉ tiêu vượt quá giới hạn từ vài chục tới… hơn 160 lần. Đáng báo động là chất lượng nước ngầm khu vực xã Cộng Hòa, Tân Hòa đang bị ô nhiễm nặng. Hàm lượng cyanua trong nước giếng đã vượt tiêu chuẩn cho phép 108 lần, nitơrat vượt 1,71 lần và số lượng khuẩn 236-241 con/100ml.
Ông Vương Trí Kiểm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, trên địa bàn xã vẫn còn 50-70 hộ chuyên sản xuất, chế biến tinh bột dong, nấu nha, làm bún. Các hộ sản xuất mạnh nhất dịp 3 tháng cuối năm, trung bình mỗi ngày chế biến khoảng 500 tấn bột dong. Rác thải từ chế biến tinh bột dong là 200 tấn/ngày, chưa kể một lượng lớn nước thải. Tương tự, tại xã Cộng Hòa, mặc dù các hộ sản xuất tinh bột và làm miến đã giảm mạnh so với trước nhưng quy mô sản xuất lớn hơn, khoảng 10-20 tấn sắn/ngày, nên lượng chất thải rất lớn. Vào lúc cao điểm, do mặt bằng chật hẹp, các hộ đắp đống bã sắn ven đường. Tuy lượng nước thải từ chế biến sắn là rất lớn nhưng đều không qua xử lý, thải trực tiếp ra cống rãnh chung của xã. Ngoài ra, nghề dệt len mút cũng đang phát triển mạnh ở xã Cộng Hòa, với 60% số hộ tham gia. Quá trình sản xuất, bụi len phát tán trong không khí, là nguyên nhân gây ra các loại bệnh về đường hô hấp…
Xử lý - không dễ
Theo quy hoạch, trên địa bàn huyện Quốc Oai có 10 cụm tiểu thủ công nghiệp, nhưng hiện tại mới chỉ có 2 cụm công nghiệp làng nghề đang trong quá trình triển khai là Cụm công nghiệp làng nghề Nghĩa Hương (quy mô 11,4ha); cụm công nghiệp làng nghề thị trấn (quy mô 10,54ha). Hầu hết cơ sở sản xuất vẫn nằm trong khu dân cư, dẫn đến giao thông liên thôn, xóm hết sức khó khăn. Không những vậy, các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản đã xả nước thải thẳng ra các kênh tiêu nước sinh hoạt chung trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Còn các làng nghề sản xuất đồ gỗ, quá trình sản xuất sử dụng máy móc gây tiếng ồn lớn và rất nhiều bụi mùn cưa từ việc xẻ gỗ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Đăng Thiều thừa nhận, có rất ít làng nghề thực hiện được mô hình xử lý ô nhiễm. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước, xây dựng hệ thống thu gom, áp dụng khoa học - công nghệ để giảm khói bụi, tiếng ồn và ô nhiễm… Tuy nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn do các làng nghề đan xen trong khu vực dân cư, phải xây dựng nhiều hệ thống thu gom, trong khi nguồn lực chưa đủ.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Dương Tôn Kiên cho rằng, một trong những giải pháp để làng nghề phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là đưa các cơ sở sản xuất ra cụm, điểm công nghiệp tập trung; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân ở các làng nghề về bảo vệ môi trường; xây dựng và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm; huy động các nguồn vốn, nguồn lực để đầu tư cho bảo vệ môi trường; ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án xử lý môi trường, làng nghề; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để tăng cường đầu tư cho các công trình xử lý ô nhiễm môi trường. Việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào xử lý chất thải rắn, nước thải và ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cũng là giải pháp cần được xem trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.