(HNM) - Báo chí lâu nay nhiều khi được ví như nơi thoát thai của văn học, đặc biệt là những tờ báo văn như Văn nghệ. Nhiều tác phẩm của những cây bút nổi tiếng trước đây như Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài... và không ít cây bút hiện nay đã được công bố lần đầu trên báo chí.
Như nhà văn Lê Minh Khuê nói thì có thể tìm thấy ở đây một mục lục hấp dẫn tên tác giả, những "đại gia" truyện ngắn từ những năm rất xa cho đến những cây bút đang viết hăng say hiện giờ như Nguyễn Văn Xuân, Hồng Hoang, Nguyễn Thị Hoàng, Đoàn Lê, Châu Diên, Miêng, Thai Sắc… Điều đáng mừng hơn là qua đây, có thể thấy sau và ngay trong những "biến động" về thị hiếu đọc, các tác giả vẫn viết, và tờ báo văn vẫn bền bỉ dành trang cho các tác phẩm mới. Ở tuyển truyện ngắn này, không hiếm những truyện hay, thậm chí là những hạt ngọc quý đáng để lưu giữ trong tâm trí bạn đọc.
Phải nói ngay rằng truyện ngắn, với dung lượng phù hợp và "độ nén" thông tin, vẫn là món ăn tinh thần được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại. Người đọc có quyền đòi hỏi ở nó sự thú vị về phong cách thể hiện, những tìm kiếm, trải nghiệm có giá trị về cuộc sống đã được cô gọn lại. Tuy nhiên, sự thú vị hay những ý tứ sâu xa không đồng nghĩa với sự phức tạp. Nhà văn Lê Minh Khuê cũng cho rằng cần "chân thành để đến sự giản dị".
Sự chân thành có thể tìm thấy trong rất nhiều tác phẩm khi các tác giả hết mình lắng nghe từng tiếng thở từ đời sống, phản ánh những câu chuyện về số phận con người. Không chân thành đâu dễ nghe cho thấu. "Dường như là chuyến hành trình sau chót" của McAmmond Nguyễn Thị Tư dẫn người đọc qua nhiều tầng cảm xúc, nực cười, xót xa nhưng dư vị rất mực ấm áp. Người thanh niên Việt Nam lái taxi ở xứ người, cả đời còng lưng sắm vai anh Việt kiều hào phóng đón đợi những phút giây được lắng nghe, chia sẻ chân thành với một người khách - người mẹ già cô đơn trên đường vào nơi dưỡng lão… Phần cuối khiến ta nhớ đến một truyện ngắn của Nga với hình ảnh người mẹ chờ mãi con gái trong ngôi nhà cô đơn bao phủ gió tuyết. Cô gái thì mải mê, bận rộn trên thành phố, tới lúc trở về thì đã không còn ai chờ nữa.
Nhiều tác phẩm đưa người đọc đến với những số phận "ngoài lề xã hội" như "Con muỗi" của Nguyễn Hồ; đến với những góc cạnh của đời sống như "Mẹ và Con và Thánh thần" của Đoàn Lê, hay về nỗi cô đơn như "Trên miền xanh lá cây" của Nguyễn Thị Hoàng…
Ở những tác phẩm khác, sự thú vị đến từ cách thể hiện, ở mảng đề tài đặc quánh không khí thời sự như tiểu thuyết "Đấng sơ sinh" của Hồng Hoang với điểm nhìn từ một em bé sơ sinh, hay "Vui buồn thời cúm lợn" của Nguyễn Đạo Tuyết Nga.
Một tuyển truyện ngắn với gần 40 tác phẩm, không phải không có chỗ, có đoạn chưa thỏa mãn được người đọc. Bởi lẽ là tuyển chọn, dẫu thế nào cũng khó đạt tới sự toàn vẹn, nhất là khi biết bao món ngon phải đặt cạnh nhau chịu sự phán xét, so sánh. Song, quan trọng là mỗi tác phẩm trong tuyển truyện đã chuyển được cảm xúc đến bạn đọc, những buồn, vui giàu ý nghĩa giúp con người biết yêu thương, sẻ chia và sống nhân văn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.