(HNM) - Với đôi tay tài hoa, óc sáng tạo, người thợ làng nghề Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc độc đáo. Làng nghề hưng thịnh, đem lại cuộc sống sung túc cho người làm nghề.
Nghề điêu khắc đã đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Dư Dụ. |
Nghề điêu khắc Dư Dụ có từ khi nào không ai còn nhớ rõ, chỉ biết rằng đây là nghề "cha truyền con nối". Bất cứ người thợ nào của làng nghề đều có thể biến khúc gỗ vô tri thành tác phẩm điêu khắc giá trị cao. Toàn xã Dư Dụ có đến 80% lao động làm nghề điêu khắc, nhưng chưa ai nhận mình là nghệ nhân. Họ chỉ nhận mình là người thợ lành nghề. Hằng ngày, lớp thợ già vẫn miệt mài truyền nghề cho thế hệ sau, để làng nghề ngày càng hưng thịnh. Đặc biệt, với bàn tay tài hoa, những người thợ làng nghề Dư Dụ đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước.
Anh Nguyễn Văn Nam, một thợ trẻ cho biết: Với một khúc gỗ thô kệch, nhiều người cho rằng chẳng thể làm gì được nhưng chúng tôi chỉ đầu tư chút công sức đục, đẽo, gọt giũa là thành tác phẩm nghệ thuật hữu ích. Khéo và tinh đến mức, trên từng thớ gỗ, người thợ làng nghề còn có thể "bố trí" những đường vân của khối gỗ rơi vào đúng những điểm nhấn của tác phẩm điêu khắc mà chỉ người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới cảm nhận được.
Sáng tạo và độc đáo, người thợ Dư Dụ còn rất khắt khe trong việc chọn nguyên liệu để sản xuất. Gỗ dùng để tạc tượng phải là những loại gỗ nhẹ, dẻo, có độ đàn hồi cao, có vân đẹp và không bị mối mọt như samu, pơmu, lũa, mít lâu năm... Vì thế, sản phẩm của làng nghề luôn được đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ. Sản phẩm điêu khắc Dư Dụ rất đa dạng, phong phú, có thể dùng trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất, có cả những pho tượng bề thế đặt trang trọng tại các ngôi chùa rải khắp từ Bắc vào Nam. Sản phẩm của làng nghề đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, thậm chí khách hàng ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...
Ông Nguyễn Công Đắp, Trưởng thôn Dư Dụ cho biết, sự hưng thịnh của làng nghề điêu khắc đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cao cho phần lớn người dân địa phương. Trong đó, thợ chính là 400.000 đồng/ngày công lao động, thợ phụ 150.000 - 200.000 đồng/ngày công... Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thôn giảm xuống còn dưới 3%...
Dù làng nghề phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân, nhưng môi trường lại đang bị ô nhiễm. Nhiều hộ sản xuất trong khu dân cư đã đầu tư máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất gây bụi, tiếng ồn và mùi sơn rất khó chịu. Các hộ dân đã kiến nghị xã Thanh Thùy và huyện Thanh Oai sớm quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề và di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Có như vậy, nghề điêu khắc truyền thống Dư Dụ mới phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.