(HNM) - Lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị luôn là vấn đề được cử tri các quận quan tâm, kiến nghị. Sau kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, cử tri quận Hoàng Mai bày tỏ không đồng tình với việc thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ và nâng tầng nhà chung cư gây quá tải đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật và dân sinh đi kèm. Cử tri đề nghị UBND TP Hà Nội cần xin ý kiến dân cư trước khi chấp thuận thay đổi quy hoạch.
Thẳng thắn, không né tránh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản trả lời ý kiến của cử tri quận Hoàng Mai. UBND thành phố cho biết, qua 10 năm thực hiện Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 21-6-1998 (1998-2008) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép điều chỉnh cục bộ 10 lần trên quy mô lớn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Sau năm 2008, khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch này vẫn có hiệu lực pháp lý và tiếp tục được áp dụng cho đến khi Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 kèm theo quy định quản lý quy hoạch - kiến trúc. Sau khi Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, thành phố rà soát, đánh giá, phân loại các dự án đầu tư xây dựng gắn với từng khu vực cụ thể và điều kiện phát triển kinh tế, các dự án không phù hợp bắt buộc phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt (tăng hoặc giảm tầng cao, mật độ, chuyển đổi chức năng sử dụng đất).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, tất cả các đồ án, dự án trước khi được chấp thuận điều chỉnh theo quy trình đều được xin ý kiến cộng đồng dân cư. Trong quá trình thẩm định, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện đúng các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền, quy trình, hình thức xin ý kiến theo quy định Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Ngoài ra, TP Hà Nội còn ban hành Quyết định 27/2011/QĐ-UBND về cấp giấy phép quy hoạch trên địa bàn Hà Nội; Quyết định 72/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hà Nội quy định trách nhiệm xin ý kiến cộng đồng dân cư thuộc trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp ý kiến thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt, hoặc được phê duyệt theo phân cấp.
Việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến và có văn bản trả lời chi tiết những vấn đề cử tri nêu giúp cử tri tin tưởng hơn vào cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị, việc càng có nhiều ý kiến đóng góp của cử tri thì cơ quan quản lý sẽ có cơ sở để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Để được như thế, yêu cầu về công khai, minh bạch và tuyên truyền sâu rộng các chủ trương về quy hoạch và phát triển đô thị càng phải đặt ra cao hơn. Khi đó, các chủ trương phát triển đô thị của thành phố sẽ nhận được sự đồng thuận nhiều hơn của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.