Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Hà Phong

TUYETMINH| 20/11/2007 10:55

(HNMĐT)- Hà Phong, tục gọi là Giỗ Dong - vốn là một bộ phận của làng gốc Hà Lỗ (tục gọi chung là làng Giỗ tách ra từ nửa sau thế kỷ XIX. Đây là một trong 5 làng của huyện Đông Ngàn nằm ở rốn nước, một “lỗ” nước trong một lòng chảo rộng lớn, cuối một nhánh cụt của sông Hoàng Giang từ Cổ Loa chảy về nên mang tên Nôm này, người trong vùng gọi là Ngũ Lỗ hay Ngũ Giỗ.

(HNMĐT)- Hà Phong, tục gọi là Giỗ Dong - vốn là một bộ phận của làng gốc Hà Lỗ (tục gọi chung là làng Giỗ tách ra từ nửa sau thế kỷ XIX. Đây là một trong 5 làng của huyện Đông Ngàn nằm ở rốn nước, một “lỗ” nước trong một lòng chảo rộng lớn, cuối một nhánh cụt của sông Hoàng Giang từ Cổ Loa chảy về nên mang tên Nôm này, người trong vùng gọi là Ngũ Lỗ hay Ngũ Giỗ.

Đây là những làng cổ, được hình thành từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Vào năm 1976, dưới chân thành Cái cao của làng đã phát hiện một chiếc trống đồng cỡ nhỏ mà có nhà khảo cổ học gọi là “đồ minh khí” - một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng trên dưới 3000 năm.

Việc làng Hà Phong thờ thần Lộc môn Hoàng thiếu thủy tộc long vương, tương truyền là con út của Lạc Long Quân hóa thân (Vua út) chứng minh thêm điều đó. 

Đầu thế kỷ XIX, Hà Phong là một thôn thuộc xã Hà Lỗ. tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ tháng 11 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Cách mạng Tháng Tám thành công, Hà Phong nằm trong xã Ngũ Hà (tức năm làng Giỗ) thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tháng 4 - 1949, xã Ngũ Hà hợp nhất với xã Hà Vĩ thành xã Liên Hà. Tháng 5 - 1961, xã Liên Hà được chuyển về huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. 

Nằm trong rốn trũng, xưa kia đồng làng Hà Phong chỉ cấy được vụ lúa chiêm là chính. Cả làng xưa chỉ có gần 190 mẫu ruộng, trong đó ruộng công chiếm đến 40 mẫu, nên ruộng tư rất ít. Ngoài làm ruộng, dân làng còn khai thác các nguồn tôm cá trong đồng, bằng các hình thức : đăng đáy, vó, chài, dậm, tát vét...

Hà Phong trước đây có ba xóm là : Đầu làng, Giữa và Chùa. Trai đinh trong làng sinh hoạt trong hai giáp Đông và Tây. Mỗi giáp có sáu chạ là người ở dưới tuổi 50 thay mặt giáp lo điều hành các công việc của làng giao. Trong số họ, cử người cao tuổi nhất là thủ chỉ, người cao tuổi thứ hai làm thứ chỉ. Người đến tuổi vọng chạ rất nặng nề và tốn kém vì phải làm cỗ mời toàn bộ trai đinh hàng giáp, có khi mời cả hai giáp. Hết tuổi chạ phải làm cỗ mời cả giáp rồi mới lên hàng các cụ.

Làng Hà Phong hiện còn ngôi đình gồm năm gian hai dĩ nối với hậu cung, Ngoài Lộc môn Hoàng thiếu thủy tộc Long vương, là con út của Lạc Long Quân hóa thân (Vua út), đình còn thờ Đông Hải đại vương Đoàn Thượng - nhân vật lịch sử cuối thời Lý đầu thời Trần. Hiện tại đình còn lưu 12 đạo sắc cho Đông Hải đại vương Đoàn Thượng và 6 đạo cho Vua út. Hai đạo sớm nhất (phong cho cả hai vị thần) có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783). Hội làng diễn ra vào các dịp: từ 12 đến 16 tháng Giêng, mồng ba tháng Ba và ngày 15 tháng Tám.

Hà Phong có ngồi chùa Văn chỉ tọa lạc phía bên phải đình, gồm ba bệ, bệ giữa thờ Khổng Tử, các học trò của ông, các tiến sĩ của làng; bệ bên trái thờ các giám sinh, hiệu sinh; bệ bên phải thờ các phủ quan và huyện quan. 

Chùa làng Hà Phong (Phổ Lại tự) là ngôi chùa cổ. Bài Minh trên cây hương đá Thạch trụ thiên đài lập năm Chính Hòa thứ 10 (năm 1689) cho biết, bà Luơng Thị Khiêm (nguời thôn Đông, xã Hà Lỗ) đã cúng 30 quan tiền và 5 sào ruộng để làng sửa chùa và bà đuợc bầu làm hậu Phật.

Hà Phong là một làng nhỏ, nhưng thời phong kiến có 4 người đỗ đại khoa, là:

 1. Lương Hối, đỗ Hoàng giáp khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận, đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1466), làm Vương phó (thầy dạy các vương tử).

 2. Dương Bính, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức, đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1478), làm quan đến Thừa chính sứ.

 3. Nghiêm Văn Hậu, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu, đời Vua Lê Chiêu Tông (năm 1518), làm quan đến Tham chính sứ, về trí sĩ.

 4. Dương Cảo (1586 - ?), là cháu bốn đời của Dương Bính, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ, đời Vua Lê Thần Tông (năm 1628), làm quan đến Tế tửu Quốc Tử Giám. 

PGS, TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Làng Hà Phong

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.