Đại Cát xưa có tên là Hạ Cát, nằm trong vùng Kẻ, cùng với hai làng Thượng Cát và Đống Ba. Theo lưu truyền dân gian, tên “Hạ Cát” liên quan đến sự kiện Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử sau một thời gian tranh chấp không phân thắng bại, vào năm 577 đã lấy bãi Quân Thần châu, vạch một đường thẳng về phía Đông làm ranh giới phạm vi cai quản.
Ảnh: P.Thảo
Đến đời Tây Sơn, làng Hạ Cát đổi tên thành Đại Cát, với nghĩa có nhiều may mắn, tốt lành trong cuộc sống. Làng thuộc diện đông dân trong vùng (năm 1926 có 1250 người). Từ đầu thế kỷ XIX, Đại Cát cũng là một xã thuộc tổng Hạ Trì, huyện Từ Liêm. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nằm trong xã Tân Dân. Từ sau Cải cách ruộng đất, thuộc xã Tân Tiến, ngày nay là xã Liên Mạc.
Là làng đông dân, nhưng Đại Cát lại có rất ít ruộng, chỉ có 209 mẫu. Do nằm ven sông Hồng, nên ruộng đất của làng thường xuyên bị nước lũ đe dọa. Dân làng còn lưu truyền về những trận vỡ đoạn đê ở địa phận làng liên tiếp xảy ra từ năm 1767 đến 1800. Có năm bị lở, mất hàng trăm mẫu đất. Ngoài làm ruộng, dân làng có nghề làm đậu phụ, nấu rượu, nhưng thu nhập không được là bao nên xưa kia, thường xuyên có đến một phần ba số lao động của làng phải đi các nơi làm ăn.
Đại Cát còn ngôi đình Chải được dựng vào thời Lê, kết cấu chữ “Nhị”. Đình thờ các vị thần chung với hai làng Thượng Cát và Đống Ba (Quách Lãng cùng hai người em gái con cô con cậu là Đinh Bạch nương, Đinh Tĩnh nương) là các tướng của Hai Bà Trưng. Sở dĩ gọi là đình Chải vì bãi trước cửa đình là nơi tập trung để mở hội bơi chải trên sông Hồng. Theo lệ, vào ngày 10 tháng Ba, trai đinh của làng chia làm bốn phiên, mỗi phiên 32 trai đinh bơi một chải bảy gian, mỗi gian dài hai mét, bơi từ bến cửa đình lên đoạn sông trước cửa đình Thượng Cát, rồi quay xuống đoạn sông thuộc địa phận làng Yên Nội và trở về đình. Bơi chải để diễn lại cảnh hai bà Đinh Bạch nương, Đinh Tĩnh nương rèn quân thủy chiến xưa kia; vừa để rèn sức, luyện tài.
Làng Đại Cát còn có bà Tạ Vĩnh Gia. Năm 20 tuổi, nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà đã chiêu mộ được hơn 2000 nghĩa sĩ trong vùng rồi lên Hát Môn gia nhập nghĩa quân của Hai Bà. Về sau, khi Mã Viện trở lại xâm lược, bà Gia đã chiến đấu dũng cảm rồi hy sinh, được dân làng Chu Phan (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) và làng Yên Châu (huyện Đan Phượng) thờ.
Lệ tục của làng Đại cát trước Cách mạng cũng rất nặng nề. Làng có tám giáp. Mỗi năm mỗi giáp có một người làm lềnh, phải nuôi một con lợn từ 50 kg trở lên, cùng số gạo nếp để giã bánh dày, nấu chè kho, rồi rước lên đình lễ thánh vào dịp mồng 10 tháng Giêng. Tại đình có cuộc thi bánh dày, chè giữa tám người lềnh. Vì thế, người đến lượt gánh lễ phải thuê, nhờ người làm rất tốn kém.
Thời Tây Sơn, Đại Cát là nơi đóng của một đạo quân Tây Sơn do tướng Vũ Văn Nhân chỉ huy, từ đây hành quân vào đánh quân Mãn Thanh Xuân Kỷ Dậu (1789). Về sau, ông được phong Đại Tư đồ, khi Đại Cát bị vỡ đê, ông cho lính cùng dân làng hàn lại đê, lại cho dân làng lương thực, tiền, thuốc. Khi Gia Long chiếm được Thăng Long, Vũ Văn Nhân bị bắt và chém, dân làng Đại Cát đã bí mật thờ ông.
Thời hiện đại, từ năm 1941, Đại Cát là nơi ăn nghỉ, hoạt động của một số cán bộ Trung ương. Trong các cuộc kháng chiến, 28 người con của làng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.