Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Làng cổ thụ"

(ĐCSVN)| 14/08/2013 09:15

Nằm ngay ngoại thành Hà Nội, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì có một quần thể cây cổ thụ lên đến 24 cây, có tuổi đời ít nhất từ 100 đến 700 tuổi, tỏa bóng mát khắp làng xã.

Cây gạo trên 700 tuổi nhưng vẫn xanh tốt và ra hoa đỏ cả một vùng.



Xã Thuần Mỹ có khoảng 1.300 hộ dân sinh sống, nghề chính của người dân ở đây vẫn là nông nghiệp. Từ đầu làng đến cuối xã nhà tầng san sát, nhưng vẫn không thể “che khuất” được những gốc cổ thụ của làng. Đứng ở tận ngoài bờ đê làng người ta có thể đếm được từng gốc cây cổ thụ cao bằng tòa nhà gần chục tầng. Những năm gần đây, quần thể cây cổ thụ cùng với dịch vụ tắm nước nóng đã giúp cho ngành du lịch ở đây phát triển mạnh, thúc đẩy đời sống kinh tế của người dân không ngừng đi lên.

Ông Nguyễn Hòa Đáng, một cao niên thôn 3, xã Thuần Mỹ, cho biết: Gia đình cụ sống ở đây từ bao đời nay, tuy nhiên không ai biết những quần thể cây cổ thụ trong xã có từ bao giờ. Theo các cụ kể lại, những năm tháng chiến tranh, khi có máy bay giặc oanh tạc là dân làng lại ra cây đa, cây gạo để tránh bom đạn. Hầu như thân cây nào cũng còn vương lại những mảnh bom, đạn găm sâu vào thân. Thế nhưng trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá và thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt, các cây cổ thụ trong làng vẫn đứng hiên ngang sừng sững và chứng kiến sự đổi thay của địa phương.

Theo chúng tôi quan sát, cây gạo cổ thụ nằm bên mép bờ sông Đà, có tán rất rộng che mát cả một vùng rộng lớn, cao khoảng 35m, thân cây có đường kính trung bình gần 2,5m, đặc biệt gốc cây rất to, phải đến hơn mười người ôm mới xuể. Người dân cho biết hàng năm cây ra hoa rất nhiều, cách xa hàng cây số có thể nhìn thấy hoa đỏ rực cả một vùng. Cây gạo được du khách đặt tên cho là cây gạo “Hoàng đế”. Cây gạo đại thụ này gắn liền với lịch sử hình thành khu Kẻ Bãi (xã Thuần Mỹ ngày nay). Ngoài cây gạo "Hoàng đế" còn có cây gạo “Hoàng Hậu” có tuổi đời khoảng 500 tuổi. Ở đầu làng, giữa bãi và cuối làng của xã Thuần Mỹ còn có 3 cây gạo có tuổi đời trên 100 tuổi.

Cây đa cổ thụ đầu làng


Bên cạnh đó, ở các thôn, xóm trong xã còn có rất nhiều cây đa cổ thụ, trong đó có 5 cây đều trên 500 tuổi. Ngay chính trong khuôn viên và trước cổng UBND xã có 3 cây đa cổ thụ. Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ cho biết: Toàn xã có 24 cây cổ thụ, chủ yếu là cây đa và cây gạo, có tuổi đời nhỏ nhất khoảng 100 tuổi, còn phần lớn khoảng 200 - 300 tuổi. Có 5 cây đa 500 tuổi, và 1 cây gạo trên 700 tuổi. Sự hiện diện, tồn tại của cả một quần thể cây cổ thụ trong một xã là điều hiếm thấy.

Theo ông Sơn, nhằm tránh chảy máu “tài nguyên” bởi tình trạng chặt phá, mua bán cây cổ thụ, và nhằm quy hoạch, bảo vệ, chăm sóc quần thể cây cổ thụ, năm 2007, UBND xã Thuần Mỹ cũng đã đăng ký bộ sưu tập cây đại thụ và đề nghị ngành văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận, nhưng đến nay sau khi Hà Nội mở rộng vẫn chưa thấy hồi âm. Bên cạnh việc sở hữu những cây đại thụ, xã Thuần Mỹ còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như: nằm trong quần thể du lịch K9, Suối Hai, nước khoáng nóng Thuần Mỹ. Vì vậy sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền rất quan trọng trong việc phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của xã Thuần Mỹ, của huyện Ba Vì và của thủ đô Hà Nội nói chung./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Làng cổ thụ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.