(HNM) - Như Báo Hànộimới đã thông tin, vụ việc 78 người dân ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia chỉ là của một nhóm người, không thể mang tính đại diện cho hơn 6.000 người dân đang sinh sống nơi đây.
Giới quản lý di sản cho rằng, bản chất của sự việc có lẽ chỉ là thông điệp người dân gửi tới các cơ quan chức năng bày tỏ những khó khăn, bức xúc mình đang phải gánh chịu, mong được giải quyết, còn làng cổ Đường Lâm vẫn xứng đáng được bảo tồn, phát huy giá trị với vai trò là di tích của quốc gia.
Làng cổ Đường Lâm xứng đáng được bảo tồn, phát huy giá trị. Ảnh: Bá Hoạt |
Một bảo tàng văn hóa sống động
Khi nói về những giá trị có một không hai của làng cổ Đường Lâm, người ta vẫn thường ví nó như một "bảo tàng văn hóa sống động". Ở đó chứa đựng một quần thể di tích với mật độ dày đặc với 7 di tích quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố, 37 ngôi nhà cổ có niên đại từ 200 - 400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại một có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống xây dựng cách đây vài chục năm... Không gian, cảnh quan, môi trường của làng đa dạng, phong phú với hệ thống gò, đồi, rộc, mương, kênh, ao, hồ… gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của cộng đồng dân cư, hội đủ những đặc điểm tiêu biểu của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng - nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Ngoài ra, Đường Lâm còn là quê hương của các vị Anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh… "Trong quá trình sáng tạo, gìn giữ và trao truyền một khối lượng di sản văn hóa vật thể "khổng lồ", người dân Đường Lâm từ hàng nghìn năm nay đã sáng tạo, bảo lưu được một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng, phong phú. Đến Đường Lâm ta sẽ được tiếp xúc với những tài liệu văn tự cổ tại các di tích (thần phả, sắc phong, câu đối, đại tự, bia, biển...). Nếu đến đúng dịp ta cũng có thể tham dự các lễ hội đình, đền, chùa, hòa mình vào các hoạt động của dòng họ, phường hội, phe giáp và các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian, các nghi lễ hội cá (gỏi cá), tế gà (gà Mía), trò chơi bắt vịt, đánh đu, hát nhà trò (ca trù - Đoài Giáp), rước đèn, cờ người, chọi gà, vật…" - ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định.
So sánh với nhiều ngôi làng tiêu biểu ở ba miền đất nước, rõ ràng làng cổ Đường Lâm có những giá trị nổi trội hơn. Trong một cuộc hội thảo xác định giá trị làng cổ Đường Lâm mới đây, GS Tomoda, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Quốc tế - Trường Đại học Sona Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) nói: "Việt Nam thật may mắn khi còn giữ được làng cổ ở Đường Lâm, thế hệ sau này nhìn vào biết được thế hệ ông cha mình đã sống, sinh hoạt, lao động như thế nào. Giữ được làng Việt cổ là giữ cho đời sau biểu hiện của tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Để mất làng cổ Đường Lâm là Việt Nam mất đi một di sản văn hóa vô cùng quý giá, không gì có thể đong đếm được".
Cần một cơ chế đặc thù
Trên thực tế, ngay sau khi đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia, thị xã Sơn Tây đã có nhiều quy định cụ thể để quản lý, bảo tồn làng cổ Đường Lâm như: Quyết định số 68/2006/QĐ-UBND ngày 15-5-2006 về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và sử dụng di tích; Quyết định số 181/2008/QĐ - UBND về việc phối hợp quản lý và xử lý các vi phạm xây dựng; Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 14-12-2012 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích giai đoạn 2012 -2020... Trao đổi với báo giới, nhiều người dân Đường Lâm cũng nhận thức được giá trị di sản mà mình đang nắm giữ, họ chỉ mong muốn được nâng cao đời sống mà thôi. Bởi thế, xét cho cùng, việc 94/179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở vi phạm quy định bị các cơ quan chức năng xử lý trong những năm qua, rồi người dân xin trả lại danh hiệu cũng vì chưa có cơ chế đặc thù dung hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích chung. Như nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ, họa sỹ Phan Cẩm Thượng nói: "Ngay từ đầu lẽ ra Nhà nước phải mua lại những nhà cổ để bảo tồn và cấp đất cho dân đi nơi khác dựa trên sự đồng thuận của người dân".
Với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp, trong bản báo cáo gửi các cơ quan chức năng về vụ việc người dân Đường Lâm xin trả lại danh hiệu vào ngày 13-5, UBND thị xã Sơn Tây đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét ban hành cơ chế quản lý đặc thù với làng cổ Đường Lâm. Cụ thể, thành phố nên hỗ trợ 70% kinh phí cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại khu vực I (bảo vệ nghiêm ngặt) và 50% cho các hộ dân khu vực II; hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân trong diện được cấp khi xây dựng nhà tại khu vực giãn dân. Trong khu vực bảo vệ I, Nhà nước nên đầu tư 100% kinh phí tu bổ, cải tạo nhà loại 1 và 2, các công trình có tầm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan chung. Đối với công trình nhà loại 3, người dân khi cải tạo nhà ở và các công trình dân sinh phải được hỗ trợ 50% kinh phí (phần xây dựng cơ bản). Trong khu vực bảo vệ II, các công trình quan trọng cũng cần được hỗ trợ 100% kinh phí cải tạo, tu bổ…
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Đường Lâm khi tiến hành xây dựng, cải tạo nhà ở, thị xã Sơn Tây tiếp tục đề nghị UBND TP Hà Nội ủy quyền cho thị xã tiến hành cấp phép xây dựng cho người dân tại di tích; đồng thời sớm phê duyệt dự án "Quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm" làm tiền đề cho việc định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tương lai...
Ở nước ta, TP Hội An (Quảng Nam) đã thực hiện thành công mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di tích có dân cư sinh sống đông đúc. Với nhiều điểm tương đồng, có lẽ chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây nên học tập kinh nghiệm quản lý di tích ở Hội An, giúp người dân có điều kiện sống tốt hơn để họ gắn bó với di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.