(HNM) - Thời gian qua, hưởng ứng phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động, các tổ chức tôn giáo ở Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực không chỉ lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Thời gian qua, tổ chức tôn giáo của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô rất tích cực vào cuộc hưởng ứng phong trào “Đồng bào Công giáo Thủ đô chung tay bảo vệ môi trường” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động.
Trưởng ban đại diện Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Hoàng Tùng chia sẻ: “Trong các lễ tiệc thánh, chúng tôi thay thế toàn bộ cốc nhựa bằng cốc giấy để bảo vệ môi trường. Các điểm nhóm đều tổ chức quét dọn vệ sinh, bố trí thùng rác, phân loại rác tại điểm nhóm và quanh khu vực...”.
Tương tự, Thánh thất Cao đài Hà Nội cũng vận động bà con tích cực giữ gìn sạch sẽ nơi thờ tự và giữ gìn vệ sinh môi trường tại gia đình, khu dân cư của mình. Trưởng ban Cai quản Thánh thất Cao đài Hà Nội, Giáo sư - Lễ sanh Thượng Mai Thanh cho biết: “Nhiều năm qua, việc bảo vệ môi trường của Thánh thất Cao đài Hà Nội đã đi vào nền nếp. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện bảo vệ môi trường theo đúng cam kết với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội...”.
Mỗi tôn giáo đều có giáo lý riêng nhưng khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động chung tay bảo vệ môi trường, các tôn giáo đều vào cuộc tích cực. Mục sư quản nhiệm Bùi Tấn Sản, Hội thánh Tin lành Hà Nội chia sẻ: “Hội thánh luôn nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh môi trường để Thủ đô văn minh, xanh, sạch, đẹp; đồng thời tổ chức các buổi dọn rác ở Công viên Yên Sở, tổng vệ sinh ở các ngõ, xóm để cùng với cộng đồng bảo vệ môi trường”.
Từ năm 2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với phương châm “Mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là một sứ giả về bảo vệ môi trường, đồng bào có đạo, nhân dân là những người hưởng ứng tích cực”, đến nay, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các vị chức sắc tôn giáo thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, bằng uy tín và ảnh hưởng của mình trong công tác bảo vệ môi trường. Để làm tốt nội dung này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương gợi mở, cần tiếp tục xây dựng, nhân rộng những mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của mỗi tôn giáo. Nghiên cứu đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hằng năm, vào những khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của tổ chức tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo và triển khai hoạt động cụ thể, định hướng hành vi, khuyến khích các hoạt động của tín đồ theo hướng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, các tôn giáo trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho chức sắc tôn giáo, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với công tác vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, từng bước tạo thói quen, nếp sống, ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, thân thiện với môi trường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.