(HNNN) - Với thể thao Việt Nam, SEA Games 30 - năm 2019 tại Philippines là một kỳ đại hội thành công trên nhiều phương diện: Vị trí xếp hạng toàn đoàn, số huy chương vàng đã giành được, đặc biệt là ngôi vô địch môn bóng đá nam và nữ. Chính ý chí Việt Nam, tinh thần tận hiến vì màu cờ sắc áo đã góp phần giúp các vận động viên vượt qua khó khăn, trở ngại để đem vinh quang về cho Tổ quốc.
1. SEA Games 30 khép lại sau gần hai tuần diễn ra sôi nổi. Đoàn thể thao Việt Nam giành được 98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc, 105 Huy chương đồng, vượt qua Đoàn thể thao Thái Lan ở ngày thi đấu cuối cùng để chiếm vị trí thứ hai toàn đoàn - chỉ xếp sau nước chủ nhà Philippines. Đó là một bước tiến đáng ghi nhận bởi ở các kỳ SEA Games trước, khi sự kiện thể thao lớn nhất khu vực được tổ chức tại quốc gia khác, thể thao Việt Nam chưa thể vươn tới vị trí này, và thường xếp sau Đoàn thể thao Thái Lan.
Nhưng thành công đáng ghi nhận của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 không chỉ là vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương. Điều đáng chú ý và gây tiếng vang là đội tuyển bóng đá nam U22 quốc gia và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cùng giành được tấm Huy chương vàng danh giá một cách đầy thuyết phục.
Vận động viên các bộ môn có trong chương trình thi đấu Olympic vẫn duy trì được đà tiến bộ có từ 2 - 3 kỳ đại hội trước: Điền kinh giữ được Huy chương vàng cự ly 100m nữ dù nước chủ nhà Philippines có vận động viên gốc Mỹ vừa nhập quốc tịch rất mạnh. Vận động viên ở các cự ly chạy tiếp sức 4x400m, cự ly trung bình và dài tiếp tục ổn định về thành tích, nằm trong tốp đầu tại SEA Games.
Bơi lội cũng là một điểm sáng, dù vận động viên chủ lực Nguyễn Thị Ánh Viên “chỉ” giành được 6 Huy chương vàng và 2 Huy chương bạc - kém 2 Huy chương vàng so với thành tích của chính chị ở kỳ đại hội trước. Kình ngư trẻ như Nguyễn Huy Hoàng (đã có vé dự Olympic Tokyo 2020) giành 2 Huy chương vàng, và đặc biệt là kình ngư 16 tuổi lần đầu dự SEA Games Trần Hưng Nguyên cũng giành 2 Huy chương vàng cho thấy sự vươn lên, tiếp nối mạnh mẽ của các vận động viên Việt Nam.
Cử tạ có thành tích tốt hơn, khi các đô cử đạt thành tích không thua kém là bao so với nhóm dẫn đầu châu lục, thắp sáng cơ hội giành huy chương khi ra “biển lớn”. Thể dục dụng cụ, dù đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ - đặc biệt là với các vận động viên nữ, nhưng vẫn thi đấu đĩnh đạc, có thể cạnh tranh huy chương ở nhiều nội dung thi đấu.
Khán giả theo dõi SEA Games còn được chứng kiến trận chung kết “nội bộ” nội dung đơn nam môn quần vợt giữa hai tay vợt Việt Nam. Bóng bàn tiếp tục có Huy chương vàng dù đối thủ có mặt bằng trình độ cao hơn...
Nhìn lại hành trình thi đấu của các vận động viên Việt Nam, có thể nhận thấy thành tích tại SEA Games 30 là sự tiếp nối đà thành công có được từ những kỳ đại hội trước, là kết quả của công tác chuẩn bị chu đáo, tập luyện kỹ lưỡng của từng vận động viên, huấn luyện viên, sự cổ vũ nhiệt thành của người hâm mộ, các Mạnh Thường Quân...
Thành tích không chỉ là số lượng huy chương giành được vượt xa mục tiêu dự kiến đề ra (từ 65 đến 70 Huy chương vàng), mà là cách các vận động viên thi đấu, là tinh thần đoàn kết và ý chí không lùi bước, “thắng không kiêu, bại không nản”, luôn tận tâm, tận lực, tận hiến vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Điều đó đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại buổi gặp mặt các thành viên hai đội tuyển bóng đá nam, nữ vừa trở về từ Philippines vào tối 11-12, khi phát biểu: Chiến thắng này không chỉ là chiến thắng thể thao, mà là chiến thắng của tinh thần yêu nước, của tinh thần Việt Nam.
2. “Tinh thần Việt Nam” là cụm từ được nhắc tới khá thường xuyên tại SEA Games 30, mỗi khi có vận động viên Việt Nam bước vào một “trận đánh lớn” - như đội tuyển bóng đá nữ và đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam bước vào mỗi trận “chung kết” - hoặc khi có vận động viên đạt được thành tích ấn tượng, thể hiện tinh thần Việt Nam.
Đó là Phạm Thị Hồng Lệ, người đã giành Huy chương đồng ở nội dung marathon diễn ra vào ngày 6-12. Sau khoảng thời gian thi đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khi về đích, Phạm Thị Hồng Lệ đã kiệt sức, cơ thể co cứng và lập tức được đưa vào phòng y tế để chăm sóc đặc biệt. Tấm Huy chương đồng đó vì thế quý như vàng, là kết quả của tinh thần quyết tâm vì màu cờ sắc áo.
Đó là trung vệ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Trần Thị Hồng Nhung, sau trận chung kết với đội tuyển Thái Lan đã phải nhập viện vì mất nước quá nhiều, dẫn đến hạ đường huyết. Là trung vệ, đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Chương Thị Kiều, đã tận tụy chơi rất hay suốt 120 phút trong trận chung kết dù chân trái quấn băng, vết xước rỉ máu...
Đó còn là những vận động viên cử tạ, điền kinh, thể dục dụng cụ, bơi lội... quanh năm xa nhà, hay phải tìm việc làm thêm sau giờ tập luyện để mưu sinh. Vất vả là thế nhưng đa số không bỏ cuộc, ngay cả khi bị dư luận nghi ngờ về khả năng thành công cũng như hiểu nhầm về động cơ quay trở lại đội tuyển. Đó còn là những vận động viên điền kinh vào cuộc với nhiệm vụ “chim mồi”, hy sinh ước mơ thành tích cao để hỗ trợ đồng đội có thêm cơ hội giành huy chương cho Thể thao Việt Nam...
SEA Games 30 đã khép lại nhưng tinh thần Việt Nam, tinh thần không lùi bước vì màu cờ Tổ quốc còn đọng lại trong các vận động viên đang thi đấu và lan tỏa tới lớp kế cận. Tinh thần đó sẽ theo chân các tuyển thủ bóng đá U23 quốc gia, trở thành điểm tựa giúp họ tự tin trong các trận đấu diễn ra vào tháng 1-2020 trong khuôn khổ Vòng chung kết Giải vô địch U23 châu Á mà phần thưởng cuối cùng là tấm vé dự Olympic Tokyo 2020 - điều mà bóng đá Việt Nam chưa có được. Tinh thần đó cũng cần được thể hiện trong từng vận động viên các môn thể thao khác trong hành trình hướng tới đấu trường ASIAD, Olympic, chứ không chỉ là SEA Games.
Thành công của bóng đá và một số môn thể thao khác trong thời gian qua có được nhờ tài năng, nhiệt huyết và trách nhiệm trước Tổ quốc của các vận động viên, nhưng cũng còn nhờ nỗ lực, trách nhiệm của các huấn luyện viên, cán bộ, nhân viên trong thành phần các đội tuyển và sự cổ vũ, giúp đỡ của toàn xã hội.
Bởi vậy, trong tương lai, với thể thao Việt Nam, tinh thần không lùi bước còn phải được thúc đẩy trong đội ngũ những người làm chính sách thể thao, nhà quản lý, người tham gia công tác đào tạo trẻ, phát hiện nhân tài, y học thể thao... nhằm tạo nên một bước chuyển đồng bộ, rộng khắp.
Với những gì mà người hâm mộ thể hiện trong những ngày vui vừa qua, hoàn toàn có thể tin tưởng, cú hích thể thao sẽ tạo lực đẩy trong các lĩnh vực khác, làm lan tỏa tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân.
Đó cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm khi phát biểu: “Chúng ta muốn chiến thắng này sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ vào kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi người chúng ta đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.