Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa tình yêu âm nhạc

Quỳnh Anh| 04/04/2021 06:02

(HNM) - Thời gian gần đây, xu hướng mang âm nhạc đến với cộng đồng ngày càng nở rộ ở nước ta. Thay vì ngồi chờ công chúng đến thưởng thức nghệ thuật ở sân khấu chuyên nghiệp, nhà hát hay những khán phòng sang trọng, các nghệ sĩ, ca sĩ chủ động mang lời ca, tiếng hát xuống phố, ra công viên, quảng trường, về nhiều miền quê… Cách làm này đã nhận được phản hồi tích cực của công chúng và tạo nên một nét văn hóa giải trí vừa sinh động, hấp dẫn vừa kết nối cộng đồng, thúc đẩy hoạt động âm nhạc ngày càng phát triển hơn.

Biểu diễn ở không gian công cộng, ngoài trời, phục vụ miễn phí cộng đồng, giới hoạt động nghệ thuật không chỉ xóa nhòa ranh giới giữa ca sĩ và khán giả, đem lại những cảm xúc mới mẻ mà còn tạo nên giá trị riêng cho âm nhạc. Đặc biệt, nhiều chương trình, dự án âm nhạc của các nghệ sĩ, ca sĩ không chỉ truyền cảm hứng, năng lượng tích cực mà còn lan tỏa những thông điệp nhân văn, chạm đến trái tim người nghe, hướng công chúng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Âm nhạc luôn có sức mạnh cảm hóa và lan tỏa, có thể kết nối, nâng cao nhận thức của con người. Vì vậy, việc duy trì, phát huy các hoạt động biểu diễn âm nhạc phục vụ cộng đồng là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không phải là dễ dàng, đòi hỏi phải bảo đảm nguồn nhân lực, trí tuệ và tài lực. Trước hết, các cơ quan chức năng, đơn vị nghệ thuật cần tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” để có nguồn nhân lực tài năng, trách nhiệm với cộng đồng; đồng thời có chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên, khuyến khích các nghệ sĩ, ca sĩ tiếp tục cống hiến, biểu diễn âm nhạc phục vụ người dân. Bên cạnh đó là phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, tạo điều kiện cho giới nghệ sĩ, ca sĩ có không gian công cộng để đem lời ca, âm nhạc phục vụ công chúng… nhưng phải hoạt động lành mạnh, lan tỏa những giá trị tích cực, không trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, không tác động tiêu cực đến đạo đức, tâm lý xã hội…

Về phía nghệ sĩ, ca sĩ, khi thực hiện các chương trình, dự án âm nhạc phục vụ cộng đồng cần tuân thủ nghiêm Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, giới làm nghề cần nâng cao tính chuyên nghiệp, hình thành nên nét đẹp văn hóa trong phục vụ công chúng; không ngừng trau dồi chuyên môn, đưa âm nhạc đến công chúng bằng tình cảm, trái tim và cả trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó là tiếp tục chủ động đến với khán giả, trình diễn những ca khúc chất lượng, mang lại những giá trị thẩm mỹ cao đẹp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Thực tế cho thấy, với bất cứ dòng nhạc nào, khi chạm vào cảm xúc của số đông người nghe thì sẽ mang lại thành công.

Ở khía cạnh khác, khán giả là nhân tố không thể thiếu trong sự phát triển của âm nhạc cộng đồng. Khán giả thưởng thức nghệ thuật một cách văn hóa, văn minh, tôn trọng người biểu diễn sẽ là nguồn động viên, khích lệ các nghệ sĩ, ca sĩ tiếp tục cống hiến và cho ra đời những sản phẩm chất lượng.

Với nhiệt huyết, đam mê của những người làm nghề, sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chức năng, âm nhạc cộng đồng sẽ được khơi dòng chảy mạnh mẽ. Khi tình yêu âm nhạc lan tỏa trong mỗi người dân chắc chắn sẽ tạo lực đẩy cho âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tình yêu âm nhạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.