(HNM) -
Mấy ngày vừa qua, những chuyến xe chở nặng nghĩa tình nối tiếp lăn bánh từ các khu công nghiệp tới nhiều vùng sâu, vùng xa, đưa công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Những lời chúc tụng, những gói lì xì, những tay xách nách mang trong một không gian vồi vội mang đến nhiều cảm xúc và không ít trăn trở.
Năm 2014, kinh tế đất nước đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi, nhưng cơn bĩ cực vẫn chưa qua, có 67.823 doanh nghiệp buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp chỉ có thể trả lương công nhân từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng, không ít doanh nghiệp không thể thưởng Tết cho người lao động. Chưa kể việc có tới 70 doanh nghiệp nợ lương của hơn 600 công nhân, với số tiền 59,7 tỉ đồng... Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều người phải loay hoay để có thể "no ba ngày Tết" như cách nói của người xưa và cũng sẽ có rất nhiều người không thể sum vầy cùng gia đình trong hơi ấm của quê hương để làm một việc mà mọi người Việt Nam đều mong muốn là thắp một nén nhang lên ban thờ tiên tổ.
Do vậy, để mọi người đều có một cái Tết đầm ấm, an vui không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức công đoàn hay doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của người dân trong tình nghĩa đồng bào. Rất đáng mừng là theo một con số thống kê, đón Xuân Ất Mùi, các cấp công đoàn đã trao quà Tết cho gần 500.000 công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng. Nhiều khu công nghiệp và hơn 500 công đoàn cơ sở tổ chức các điểm vui chơi, văn hóa văn nghệ cho công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết. Riêng TP Hà Nội đã dành hơn 200 tỷ đồng tặng quà các đối tượng chính sách, người cao tuổi, cán bộ, công nhân viên nghỉ hưu, nghỉ mất sức và hỗ trợ các gia đình thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn... Và nữa, rất nhiều tổ chức, cá nhân với lòng hảo tâm và tinh thần thiện nguyện đã làm nhiều việc thiết thực để nhà nhà, người người cùng có Tết.
Không thể không nói, trong thương trường - chiến trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều chủ doanh nghiệp đã thật sự toan lo cho những người lao động của mình: Tôi có thể nợ tiền ngân hàng nhưng tuyệt đối không để nợ lương, nợ thưởng Tết của công nhân bởi họ là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Và dù mức thưởng Tết ở mỗi doanh nghiệp khác nhau, có nơi chỉ vài trăm nghìn đồng, có nơi lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng đều là sự nỗ lực. Người lao động ở đâu cũng vậy chỉ mong muốn được ổn định cuộc sống, được quan tâm, chăm sóc. Thế nên sự chu đáo của các doanh nghiệp chính là tác nhân ổn định quan hệ lao động lâu dài. Nếu doanh nghiệp hoàn thiện được chính sách đãi ngộ người lao động, chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
Những việc làm thiết thực và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp và cá nhân trong việc chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã mang đến hơi ấm của mùa xuân, thắp lên những niềm hy vọng mới. Trong những ngày giáp Tết này, từ mỗi trái tim, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự lan tỏa của tinh thần tương thân, tương ái - một nét truyền thống như mạch ngầm chảy trong lòng dân tộc. Tình yêu thương giữa con người với con người như bền chặt hơn qua những việc làm giàu nhân ái, nghĩa tình. Mùa xuân thực sự đã về trong mỗi con người!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.