(HNM) - Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, Xuân về là các chương trình, sự kiện hướng về truyền thống lại nở rộ như một cách để tôn vinh, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Tết Việt. Không chỉ tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho công chúng, những hoạt động này còn góp phần khơi dậy ý thức, trách nhiệm chung tay gìn giữ, để những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trường tồn trong đời sống đương đại.
Tôn vinh giá trị Tết cổ truyền
Những ngày này, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đang rộn ràng các hoạt động chuẩn bị cho chương trình Tết Việt 2021, sẽ khởi động vào ngày 30-1 tới với chủ đề “Tân Sửu nghênh xuân”. Đến nay, khu vực tái hiện không gian Tết cổ truyền đã hoàn tất với trung tâm là mô hình Xuân ngưu và thần Câu mang mô phỏng nghi lễ Tiến xuân ngưu; không gian thờ cúng; không gian chuẩn bị đón Tết cổ truyền; tục chúc Tết, mừng tuổi và xin chữ đầu xuân… Khu vực trò chơi dân gian mở ra không gian rộng lớn cho các hoạt động trải nghiệm phong phú, hấp dẫn, như: Sáng tạo “Phẩm vật nghênh xuân”, tô tranh dân gian, nặn tò he, làm hoa và con giống…
Theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến, năm nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long và nhóm dự án Ỷ Vân Hiên tổ chức thể nghiệm các nghi thức cung đình, gồm: Rước xuân ngưu, Tiến xuân ngưu, Ban xuân ngưu, Phép đả xuân ngưu, dựa theo kết quả nghiên cứu về các nghi lễ cung đình có từ thời Lê Trung Hưng. “Đây là lần đầu tiên những nghi thức này được tái hiện, giới thiệu rộng rãi tới công chúng và du khách, với mục đích giúp người yêu di sản hiểu thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung, văn hóa phi vật thể cung đình Hoàng thành Thăng Long nói riêng”, bà Nguyễn Thị Yến cho biết.
Có truyền thống tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết đậm màu sắc dân tộc, dịp Tết cổ truyền năm nay, nhóm Đình làng Việt trở lại cùng “Tết Việt, Tết phố 2021” tại không gian phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm). Chương trình được tổ chức trong một ngày (6-2) với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Rước phẩm vật lên đình, lễ cáo yết Thành hoàng, dựng cây nêu, trình diễn áo dài truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian ba miền… Trưởng nhóm Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình cho biết, “Tết Việt - Tết phố 2021” là chương trình phi lợi nhuận, nhằm mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Qua các hoạt động tái hiện nghi thức cổ truyền ngày Tết, Ban tổ chức mong muốn công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông; nâng cao ý thức về lễ hội lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc. Đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch địa phương tới du khách trong và ngoài nước.
Có nhiều năm tham dự chương trình Tết Việt của nhóm Đình làng Việt, ông Lê Đức Long (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Rất hào hứng và xúc động khi được hòa mình vào không khí đón Tết đậm màu sắc dân tộc như thế. Cứ mỗi năm, người tham gia chương trình ngày một đông hơn, cho thấy sức lan tỏa cũng như khả năng kết nối của chương trình tới công chúng".
Gìn giữ, trao truyền “sợi dây” văn hóa
Tết Nguyên đán là dịp cho những nỗ lực lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống trỗi dậy mạnh mẽ, thu hút cộng đồng tìm về cội nguồn dân tộc. Tại nhiều không gian di sản, điểm giao lưu văn hóa trên địa bàn Thủ đô, dễ dàng bắt gặp những hoạt động khơi dậy không khí Tết cổ truyền, tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc. Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang gấp rút chuẩn bị cho triển lãm “Cung đình đón Tết”; “Hội chữ Xuân Tân Sửu 2021”. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang phối hợp với nhiều đơn vị triển khai chương trình trải nghiệm Tết truyền thống thông qua các hoạt động hướng dẫn gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh dân gian, trải nghiệm trò chơi ngày Tết…
Tết năm nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục duy trì chương trình đón xuân vùng cao, giới thiệu không khí đón Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số bằng các nghi thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian độc đáo. Theo Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung, xuân vùng cao tạo dựng không gian Tết đậm đà bản sắc, giúp công chúng hiểu rõ hơn sự đa dạng về phong tục đón Tết cổ truyền của cộng đồng các dân tộc, từ đó thêm yêu, thêm tự hào và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ.
Nói về những nỗ lực phục dựng Tết cổ truyền trong những ngày đầu xuân mới, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, đây là những hoạt động văn hóa ý nghĩa và cần thiết, giúp cộng đồng lưu giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, thiêng liêng của Tết xưa. Thời gian trôi qua, cách đón Tết đã có nhiều thay đổi, song với ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy tinh thần Tết cổ truyền trong đời sống đương đại, những giá trị nhân văn sâu sắc của Tết Việt sẽ mãi đồng hành với cộng đồng chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.