Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Không nằm ngoài tinh thần ấy, nhiều năm qua, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của các nhà báo, cơ quan báo chí trong hoạt động tuyên truyền về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội ngày một đẹp hơn cả về lối sống, cách ứng xử, qua đó góp phần bồi tụ, lan tỏa những giá trị văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, tạo thêm nguồn lực nội sinh thúc đẩy thành phố phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ mới.
Bởi văn hóa và con người là nguồn lực nội sinh
Xưa và nay, Hà Nội luôn là nơi chắt lọc, hội tụ tinh hoa của nhiều vùng miền, từ đó không ngừng bồi đắp phẩm chất người Hà Nội, phẩm chất Việt Nam trong thời đại mới. Từ xưa, thanh lịch, văn minh là biểu hiện nét đẹp của người Thủ đô, giá trị đó cần được lan tỏa, tiếp nối, phát triển trong xã hội hiện đại.
Duy trì, phát huy nét đẹp đó là một phần quan trọng của quá trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, và ngược lại, mỗi công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh sẽ là một hạt nhân văn hóa góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô.
Trên mặt trận truyền thông, báo chí vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện truyền tải, phổ biến văn hóa tới công chúng. Báo chí còn là kênh thông tin đại chúng phản ánh thực tiễn văn hóa, phổ biến văn hóa và là động lực thúc đẩy văn hóa phát triển. Xác định vai trò quan trọng của báo chí đồng thời hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng tuyên truyền về phát triển văn hóa, năm 2018, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tham mưu tổ chức Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây là giải báo chí được tổ chức thường niên nhằm góp phần giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, văn hóa giao tiếp, ứng xử, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm thực thi pháp luật; tôn vinh truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và Thủ đô...
Đậm hơi thở cuộc sống
Qua 6 mùa giải, có thể khẳng định, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã góp phần giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô. Trong thực tế, Giải đã góp phần động viên đội ngũ người làm báo tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, qua đó nhân lên niềm tự hào, góp phần bồi tụ, lan tỏa tình yêu và ý thức, trách nhiệm với Thủ đô trong các tầng lớp nhân dân.
Năm 2020 - 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức Giải vẫn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, góp phần duy trì một hoạt động báo chí, văn hóa quan trọng. Trong bối cảnh khó khăn đó, Giải vẫn duy trì được chất lượng ở mức cao, đặc biệt là đã chọn được tác phẩm xuất sắc để trao Giải đặc biệt (tác phẩm “Hà Nội những ngày tháng không thể nào quên” của nhóm tác giả Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội).
Năm 2022, đã có 265 tác phẩm của 40 cơ quan báo chí tham dự Giải. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các tác phẩm dự thi có nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng đồng đều.
Năm 2023, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VI tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí. Ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 296 tác phẩm của 39 đơn vị - cơ quan báo chí (gồm 8 cơ quan báo chí Hà Nội và 31 đơn vị - cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành) thuộc đủ các loại hình báo chí. Tác phẩm dự giải có chất lượng khá đồng đều. Trong đó, nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng và trúng các vấn đề của Hà Nội hiện nay trong phát triển văn hóa, nổi bật như bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình đô thị hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế; số hóa di sản; phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; không gian văn hóa cộng đồng; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; khơi nguồn sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; Hà Nội trên hành trình hướng đến đô thị xanh... Với tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm, báo chí đã phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời những vấn đề đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội. Nhiều tác phẩm đoạt giải được đánh giá cao bởi thể hiện nội dung có tính phát hiện, hình thức làm báo hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội...
Đại diện nhóm tác giả tham gia giải năm nay với loạt bài “Xuất khẩu văn hóa: Con rồng chưa được đánh thức”, nhà báo Nguyễn Thanh Thủy (Báo Hànộimới) chia sẻ: “Là phóng viên lâu nay theo dõi mảng văn hóa, tôi nhận thấy Giải được đầu tư công phu, có chất lượng cả về nội dung và hình thức. Đó cũng là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa, viết tiếp những tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần xây dựng văn hóa và con người Thủ đô ngày càng văn minh, thanh lịch”.
Khẳng định thương hiệu
Qua 6 năm, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng thu hút đông đảo cơ quan báo chí, người làm báo của Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố bạn tham gia với số lượng và chất lượng tác phẩm ngày càng tăng, khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của Giải trước các vấn đề phát triển văn hóa của Hà Nội. Các tác phẩm đã góp phần thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TƯ ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24-11-2021; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”...
Tuy nhiên, có thể thấy rằng Giải báo chí về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang thu hút chủ yếu là các cơ quan báo chí Trung ương và một số tỉnh, thành phố lớn tham gia, đại diện các cơ báo chí địa phương tham gia chưa nhiều...
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Không đâu có thể phát động một giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp hơn Hà Nội bởi Thủ đô bên cạnh là một trung tâm về chính trị, kinh tế còn là một trung tâm văn hóa của cả nước, có bề dày văn hóa đằm sâu. Tuy nhiên, để Giải ngày càng phát huy được uy tín, chất lượng, tôi cho rằng cần có một cơ chế thích hợp để khuyến khích sự tham gia của các cơ quan báo chí trong cả nước. Cùng với đó, những đề tài về văn hóa cần được mở rộng hơn, sâu sát hơn nữa với thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, trong các tác phẩm viết về văn hóa, ngoài việc nêu ra hiện tượng, phát hiện, nêu gương thì cũng cần có những tác phẩm góp ý, mang tính phản biện về việc xây dựng chính sách của lãnh đạo Thành phố trong việc phát triển văn hóa, phê phán những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn về văn hóa... để những chính sách ấy thực sự đi vào cuộc sống”.
Có thể khẳng định, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ tạo ra một sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho những người làm báo, mà còn góp phần phát triển văn hóa Thủ đô. Qua các mùa giải, các giá trị văn hóa không ngừng được lan tỏa, bồi đắp, trở thành nguồn lực nội sinh cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.