Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Làn sóng” trả lại mặt bằng kinh doanh: Sau thách thức là cơ hội

Khánh Linh| 16/03/2020 13:54

(HNNN) - Dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hàng quán, cửa hàng tại Hà Nội gặp khó khăn, gián tiếp tác động đến lĩnh vực cho thuê mặt bằng kinh doanh. Rất nhiều cửa hàng đã phải tạm nghỉ, sang nhượng mặt bằng, thậm chí là phải đóng cửa. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, xu hướng trả lại mặt bằng kinh doanh sẽ khiến các chủ cho thuê phải giảm giá và đây là cơ hội “vàng” để phía kinh doanh lựa chọn được địa điểm tốt với giá thuê rẻ hơn...

Dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều hàng quán, cửa hàng tại Hà Nội gặp khó khăn.

Trả lại mặt bằng vì ế ẩm

Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, không ít cửa hàng tại một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Chùa Bộc, Hoàng Cầu... đã phải đóng cửa hay sang nhượng mặt bằng do lượng khách giảm sút, kinh doanh ế ẩm. Tương tự, ở khu vực phố cổ Hà Nội, nơi tập trung đông khách du lịch, nhiều tháng nay các cửa hàng trên một số tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Cót... cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Ở phố Hàng Đào, hàng loạt cửa hàng cạnh nhau như cửa hàng tại số nhà 14, 37, 52, 53, 68, 99 đều đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc thông báo cần sang nhượng lại. Các quán bar như Hay, 1900 trên phố Tạ Hiện, nơi được coi là đông đúc bậc nhất Hà Nội, cũng đưa thông báo đóng cửa cho đến khi hết dịch.

Chị Thu Hồng, chủ cửa hàng thời trang xuất khẩu ở 20 phố Hàng Nón cho biết: “Hơn 1 tháng nay, việc buôn bán, kinh doanh ế ẩm do dịch Covid-19. Tôi mới đóng 6 tháng tiền thuê cửa hàng ngay trước Tết nên tính đến việc sang nhượng cửa hàng để cắt lỗ, dù biết rằng chuyển nhượng vào thời điểm này thì dân kinh doanh phải chịu thua lỗ chứ đừng nói tới chuyện hòa vốn. Song, nếu cố giữ cửa hàng với tình trạng buôn bán ế ẩm như hiện nay, doanh thu thì âm liên tiếp, để lâu có khi còn lỗ nặng hơn...".

Còn anh Lê Quốc Minh, chủ cửa hàng tại số nhà 33 phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Học sinh, sinh viên thì vẫn nghỉ học, người dân vì lo ngại nên ít ra ngoài, khách du lịch cũng ít... Tôi trả mặt bằng để chuyển sang hình thức bán hàng online nhằm tiết kiệm chi phí, lúc này không thể duy trì cửa hàng được”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng trả lại mặt bằng kinh doanh. Hằng năm, cứ sau Tết Nguyên đán là tới... mùa trả mặt bằng khi nhiều cơ sở kinh doanh quyết định không ký tiếp hợp đồng thuê. Năm nay, số người trả mặt bằng nhiều hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặt bằng trống nhiều, giá cho thuê bắt đầu giảm nhẹ khi tâm lý của bên đi thuê vẫn muốn chờ qua mùa dịch mới tính tiếp, khách thuê cũng thận trọng hơn trong việc chọn lựa do họ sợ “hớ”, khiến tốc độ cho thuê trên thị trường diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ hằng năm”.

Cơ hội cho người đến sau

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và khai thác bất động sản ATVPRO, với tình hình hiện tại, các cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng thêm khoảng 4 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong tối đa 6 tháng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hay chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải chủ động giảm giá, nếu không khách thuê sẽ trả mặt bằng. Lúc đó cả hai bên cùng chịu thiệt hại nặng”.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong giai đoạn này, lĩnh vực cho thuê mặt bằng có sự biến động lớn, gặp khó khăn do tình hình thị trường cho thuê mặt bằng hằng năm sau Tết thường có sự giảm, nay lại có thêm ảnh hưởng không thuận lợi do dịch Covid-19. Chính vì thế, ngày 4-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 với một loạt biện pháp như giãn, hoãn những khoản nộp nghĩa vụ của doanh nghiệp.

“Cùng với gói tín dụng 250.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch Covid-19 qua đi, động thái này thực sự thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ nhằm chia sẻ gánh nặng mà các doanh nghiệp đang gặp phải... Mới đây, Công ty Cổ phần Vincom Retail cũng vừa phát đi thông báo sẽ dành 300 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước thực tế là cả doanh nghiệp cho thuê mặt bằng và phía thuê đều gặp khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp nên chia sẻ với nhau để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Tình trạng trả mặt bằng hàng loạt như đã thấy trong thời gian gần đây rõ ràng là việc chưa gặp bao giờ, chứng tỏ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đặc điểm của dịch Covid-19 là lây lan nhanh nên mọi người được khuyến cáo hạn chế đến chỗ đông người, đó chính là điều dẫn đến tình trạng kinh doanh ế ẩm. Việc trả lại mặt bằng hay sang nhượng lại mặt bằng có ảnh hưởng rất lớn đến cả người thuê và phía cho thuê. Vì thế, sẽ có hai xu hướng diễn ra trong việc thuê và cho thuê mặt bằng.

Xu hướng thứ nhất là bên cho thuê chủ động giảm giá vì thấy đối tác thuê mặt bằng đang gặp khó khăn trong kinh doanh. Xu hướng thứ hai là khách thuê mặt bằng đề nghị giảm giá thuê, đàm phán hạ giá bằng cách gây áp lực, chẳng hạn như đưa ra ý kiến về việc trả mặt bằng. Những cuộc đàm phán này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi bên cho thuê và khách thuê đều cảm thấy hài lòng. Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp hay chủ nhà có mặt bằng cho thuê cần chủ động giảm giá để giữ khách. Mặt khác, việc có nhiều người trả lại mặt bằng đã thuê chính là cơ hội để khách hàng tìm kiếm được một vị trí kinh doanh mới tốt hơn với giá thuê tương đối hợp lý”.

Còn một khía cạnh nữa, theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và khai thác bất động sản ATVPRO, “trong cái rủi lại có cái may”, khi “cơn sốt mặt tiền” không còn phổ biến, xu hướng bán hàng online sẽ “lên ngôi”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến khó lường, người dân có xu hướng đặt mua hàng qua mạng thay vì trực tiếp đến cửa hàng. Đây là một xu thế tích cực, phù hợp trong thời đại công nghệ lên ngôi”.

Lâu nay, việc cho thuê mặt bằng kinh doanh ở Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng có nhiều điều được phân tích, mổ xẻ, chủ yếu ở góc độ giá cho thuê ở mức cao. Xu hướng trả mặt bằng kinh doanh hiện nay không có lợi cho nhiều bên, nhưng ít nhiều tác động đến xu hướng hoạt động của phía kinh doanh, dịch vụ trong dài hạn mà việc chuyển sang kinh doanh online chỉ là một trong số đó. Hơn nữa, việc có nhiều mặt bằng kinh doanh trống không chỉ tạo cơ hội tìm kiếm vị trí kinh doanh tốt hơn cho nhiều người, mà còn có thể giúp mặt bằng giá thuê/ cho thuê trở nên hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Làn sóng” trả lại mặt bằng kinh doanh: Sau thách thức là cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.