Theo phóng viên TTXVN tại Cairo và các hãng tin nước ngoài, tình hình Ai Cập tiếp tục diễn biến căng thẳng. Trong khi phong trào biểu tình lật đổ ông Hosni Mubarak lắng dịu thì làn sóng đình công lan rộng khắp Ai Cập.
Một cuộc đình công tại Cairo. (Nguồn: Getty images) |
Tại Quảng trường Tahrir, hàng trăm cảnh sát biểu tình trong ngày thứ hai liên tiếp, đòi tăng lương và khôi phục thanh danh cho họ sau khi họ buộc phải nổ súng để giải tán biểu tình trong những ngày trước đó.
Cảnh sát còn giương cao chân dung các sĩ quan đã bị thiệt mạng do xung đột với người biểu tình và đòi xét xử cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib El-Adly.
Nhiều cuộc đình công khác của nhân viên hãng EgyptAir, Liên đoàn Công nhân Ai Cập... yêu cầu cách chức những lãnh đạo bị cáo buộc tham nhũng và có quan hệ với ông Mubarak.
Công nhân ngành giao thông công cộng cũng đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Nhiều nhân viên ngành y tế còn dựng rào chắn bằng ô tô để phong tỏa tuyến đường cao tốc ngoại ô thủ đô Cairo, gây ra một vụ tắc nghẽn giao thông lớn. Đình công còn xảy ra tại Sukari, một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Quân đội Ai Cập cảnh báo đình công lan rộng sẽ càng gây thêm thiệt hại đối với an ninh và kinh tế đất nước. Quân đội đã kêu gọi chấm dứt đình công nhằm tạo điều kiện cho họ thực hiện những cải cách tiến tới chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự như họ đã cam kết. Họ cảnh báo có thể mất kiên nhẫn và buộc phải có những hành động cứng rắn nếu đình công tiếp tục kéo dài.
Theo các nhà kinh tế, đình công càng làm tồi tệ tình hình kinh tế Ai Cập, vốn đã u ám trong 18 ngày khủng hoảng vừa qua. Hàng nghìn du khách đã rời Ai Cập hoặc hủy chuyến du lịch, làm thất thu một nguồn thu ngoại tệ chính của nước này. Các nhà phân tích còn dự đoán đầu tư nước ngoài vào Ai Cập sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, liên minh các tổ chức thanh niên tiếp tục gây sức ép yêu cầu Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang thực hiện một loạt các động thái gồm giải tán Đảng Dân chủ Quốc gia của ông Mubarak, trong vòng 30 ngày thành lập nội các gồm các nhà kỹ trị để thay thế chính phủ lâm thời hiện nay.
Trước đó, quân đội đã ấn định khung thời gian, gồm trong vòng 10 ngày hoàn tất dự thảo sửa đổi hiến pháp, trong vòng hai tháng tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này trước khi tiến hành cuộc bầu cử quốc hội.
Trong khi các cuộc đình công lan rộng ở Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tỏ ý hy vọng Ai Cập sẽ dỡ bỏ luật tình trạng khẩn cấp. Hiện quân đội chưa công bố một kế hoạch nào về việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, được áp dụng tại nước này từ ba thập kỷ qua.
Ngày 14/2, Hội đồng quân sự đã bổ nhiệm ông Tarek el-Bishri, một cựu thẩm phán, làm người đứng đầu ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp.
Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, kênh truyền hình Al Arabia đưa tin Tổng thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống của Ai Cập. Theo đài này, ông Moussa đang chuẩn bị chiến dịch tranh cử tập trung vào các vấn đề luật pháp và dân chủ.
Sau khi Thụy Sĩ phong tỏa tài sản của gia đình ông Mubarak, Ai Cập đã đề nghị Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) như Anh, Đức, Pháp phong tỏa tài sản của các cố vấn thân cận của ông này.
Tin từ Brussels cho biết các bộ trưởng Tài chính EU sẽ xem xét vấn đề này trong hai ngày họp (từ ngày 15/2). Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ danh sách mà Ai Cập yêu cầu phong tỏa tài sản có 6-7 đối tượng./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.