(HNM) - Ngày 19-9, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp khẩn với trưởng phòng GD-ĐT 29 quận, huyện, thị xã, cụm trưởng các trường THPT và các trường trực thuộc nhằm chấn chỉnh công tác thu - chi năm học 2011-2012.
Động thái muộn này của cơ quan quản lý xem ra chỉ để cho có bởi đến thời điểm này, hầu hết các trường đã cơ bản triển khai xong việc thu đầu năm. Vấn đề được dư luận quan tâm lúc này là phương án và mức độ xử lý thế nào với những sai phạm?
Thu nhiều, thu sai
Không khó để có thể "nhìn" ra các khoản thu không hợp pháp, song cũng không mấy hợp lý của các nhà trường trong danh sách các khoản thu đầu năm. Ngành GD-ĐT đã từng có lần dự kiến ban hành một danh sách các khoản thu để tránh tình trạng các trường tự đặt ra các khoản thu với những cái tên na ná nhau. Nhưng rồi thực tế mỗi trường một vẻ, nơi cần khoản này nhưng lại không cần khoản kia, không thể cố định mà áp vào. Vì vậy, độ dài - ngắn, mức cao - thấp của danh sách các khoản thu phụ thuộc vào điều kiện cụ thể. Đó là cách lý giải của các trường, còn thực tế không hẳn vậy. Thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT cũng thừa nhận tình trạng thu sai, thu nhiều có ở nhiều quận, huyện, từ Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân… đến Long Biên, Hoàng Mai, Từ Liêm, Thường Tín…
Ngoài các khoản thu theo quy định và các khoản thu hộ, mỗi HS mới được tuyển vào lớp 10 của Trường THPT Trung Văn (huyện Từ Liêm) phải nộp thêm gần 1,2 triệu đồng; trong đó có những khoản vô lý như hỗ trợ nâng cao 160 nghìn đồng/HS/học kỳ; mái che 350 nghìn đồng/HS; chăm sóc vườn cây 100 nghìn đồng/HS; ghế ngồi 30 nghìn đồng/HS; tiền mua máy photocopy 50 nghìn đồng/HS; Chữ thập đỏ 30 nghìn đồng/HS; biển lớp 20 nghìn đồng/HS… Còn theo phản ánh của phụ huynh một trường THCS ở quận nội thành, mỗi HS phải đóng hơn 1,8 triệu đồng, riêng phần thu thỏa thuận lên tới hơn chục khoản, trong đó có phần phí cho câu lạc bộ các môn toán, văn, Anh; kỹ năng sống; xã hội hóa trường; quỹ hỗ trợ; cờ khai giảng; báo Đội… Điều đáng nói là chẳng có phụ huynh nào được nhà trường thỏa thuận cứ ghi danh nộp tiền, ai cũng chằn chặn mà nộp chừng ấy.
Mặc dù quy định của Sở GD-ĐT không cho phép các trường thu của HS 4 khoản gồm bảo vệ, vệ sinh, an ninh và trông giữ xe đạp, song Trường THPT Trung Văn (Từ Liêm) vẫn thu tiền trông xe đạp với mức 80 nghìn đồng/ HS/học kỳ. Lại có trường tự đặt ra các loại quỹ như quỹ in ấn tài liệu phục vụ thi học kỳ và thi cuối năm; quỹ phục vụ thi văn nghệ và các hoạt động tổ chức trong trường… Lý giải về tình trạng thu nhiều, thu cao, ý kiến của đại diện lãnh đạo một số phòng GD-ĐT và nhà trường cho rằng, đó là do mức thu các khoản trong quy định quá lạc hậu trong khi yêu cầu hoạt động của trường hiện đã khác xưa. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Quý còn cho rằng, do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hiệu trưởng một số nơi còn hạn chế nên dẫn đến việc thu sai… Ông cũng kiến nghị với lãnh đạo ngành nên xem xét lại quy trình 4 bước thực hiện thỏa thuận hợp lý hơn, bởi khó có lãnh đạo phòng GD-ĐT nào dám ký vào bản kế hoạch công việc với các mức thu mà các trường đề xuất.
Bao giờ mới hết lạm thu?
Căn nguyên của nỗi bức xúc được chỉ ra chủ yếu là do cách thức các nhà trường khi triển khai thu các khoản dưới danh nghĩa thỏa thuận hoặc tự nguyện. Đó là sự mập mờ, không rõ ràng trong việc dự trù mức thu, nội dung chi từng khoản, là cách yêu cầu đóng góp tự nguyện mà như ép buộc của một số trường và việc thỏa thuận cũng chỉ là "diễn". Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Nguyễn Đức Vui ghi nhận: Hiếm có nơi nào trình ra được kế hoạch cụ thể rằng số tiền thu của quỹ hội cha mẹ HS như thế thì dùng vào những việc gì, ai là người hưởng lợi... Việc thỏa thuận nội dung thu và mức thu ở nhiều nơi cũng chỉ là quyết định giữa đại diện nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS. Riêng về mức thu của quỹ phụ huynh, theo ông Vui, kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, Hà Nội nên thống nhất mức thu của quỹ phụ huynh trường, sau đó trích một tỷ lệ phần trăm nhất định cho hoạt động của quỹ hội phụ huynh các lớp. Điều này sẽ tránh được tình trạng "trăm hoa đua nở" của các trường. Năm học 2011-2012, quận Cầu Giấy cũng đã có văn bản quy định rõ mức trần của một số khoản thu, trong đó quỹ phụ huynh 50 nghìn đồng/HS/học kỳ (ở cả cấp mầm non, tiểu học, THCS), tiền ăn cao nhất là 22 nghìn đồng/ HS/ngày, tiền hỗ trợ chăm sóc bán trú tối đa 100 nghìn đồng/ HS/tháng… Đây được coi như "cây gậy" pháp lý cho công tác quản lý chỉ đạo và việc triển khai ở các trường. Việc này cho thấy, không phải là không thể "quản" mà vấn đề là cơ quan quản lý có thực lòng vào cuộc và dám quản hay không?
Giải pháp được đưa ra tại cuộc họp khẩn là các đơn vị thu sai thì phải trả lại tiền cho phụ huynh HS. Đây không phải lần đầu tiên ngành GD-ĐT đưa ra hình thức xử lý này và thực tế cho thấy không hiệu quả. Chỉ đạo dạng này như kiểu "đánh bùn sang ao", nói cho qua chuyện mà thôi! Minh chứng là tình trạng lạm thu vẫn "nóng" và có chiều hướng lan rộng. Bao giờ mới hết lạm thu nếu lãnh đạo ngành còn né tránh ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.