Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm thu tiền trường - ”Chấn chỉnh” đến bao giờ?

Tuấn Kiệt| 04/10/2014 05:59

(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các địa phương về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Công văn khẳng định sẽ có hình thức xử lý kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực…

Khoan nói về tính tích cực, cần thiết của văn bản này, vấn đề đáng bàn là tính hiệu lực và hiệu quả của nó. Đây không rõ là "chỉ thị" thứ bao nhiêu của bộ chủ quản và càng không thể biết được có bao nhiêu công văn như vậy đã được ban hành ở các địa phương trong cả nước. Thử tra cứu từ khóa "chấn chỉnh lạm thu tiền trường" trên công cụ tìm kiếm Google đã cho ra 776 nghìn kết quả. Dĩ nhiên không phải kết quả nào cũng liên quan đến các "chỉ thị chấn chỉnh" nhưng có thể thấy, chủ đề này được nhắc lại với tần suất cao ở mọi dịp đầu năm học. Như "đến hẹn lại lên", cứ đầu năm học mới, khi câu chuyện "lạm thu tiền trường" đốt nóng dư luận thì cơ quan quản lý giáo dục, từ cấp bộ đến cấp sở, thế nào cũng có động thái "chấn chỉnh". Có thể những chỉ đạo ấy được thể hiện cụ thể bằng văn bản, cũng có thể nó được phát đi bằng lời của các nhà lãnh đạo trong nhiều hội nghị của ngành giáo dục.

Ba năm trước (2011), sau khi vấn đề lạm thu tiền trường được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các sở báo cáo về tình hình thu, chi đầu năm học. Trước đó Bộ cũng không quên yêu cầu các địa phương "tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những trường hợp cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước về thu chi".

Nhưng các năm sau, điệp khúc "kiên quyết chấn chỉnh", "xử lý nghiêm sai phạm" vẫn lặp lại…, và tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy hoa mắt chóng mặt và bức xúc.

Có thể nói, dù ngụy trang thế nào thì cũng chẳng khó để nhận ra những khoản thu không hợp pháp, cũng chẳng hợp lý ở các trường học. Và, dường như không mấy cơ sở "quan tâm thích đáng" đến các yêu cầu "chấn chỉnh", "xử lý". Bởi nếu các trường, cao hơn là các sở, có thái độ quan tâm nghiêm túc thì những văn bản pháp quy, hoặc cụ thể hơn là các công văn, chỉ thị "chấn chỉnh" của Bộ GD-ĐT, trong đó bao gồm cả những "chế tài", cũng đã có thể xử lý. Nhưng thực tế đang tồn tại tình trạng "việc ra văn bản là của Bộ, còn thực hiện hay không là của địa phương". Hay nói cách khác là, không phải chuyện lạm thu không thể quản được, mà chỉ do cơ quan quản lý có muốn làm hay không mà thôi. Một khi các cấp quản lý đều đặn ra văn bản, chỉ thị theo kiểu "cho có" mà không có thái độ tích cực trong thực thi thì vấn nạn lạm thu sẽ còn tồn tại.

Những khoản thu sai, trái quy định, tức là vi phạm pháp luật, thế nhưng nó vẫn mặc nhiên tồn tại công khai năm này qua năm khác, trong khi các phụ huynh thì vẫn phải nhắm mắt cho qua, nghèo cũng cố mà đóng góp, vì "qua sông phải lụy đò"…

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát tình trạng lạm thu đầu năm học, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Nhưng xem ra "chấn chỉnh" đến bao giờ thì vẫn phải chờ câu trả lời từ bộ chủ quản!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lạm thu tiền trường - ”Chấn chỉnh” đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.