Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng

Võ Lâm| 05/03/2013 06:52

(HNM) - Trong những ngày qua, trên khắp cả nước đã liên tục diễn ra các hội nghị, tọa đàm đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.

Tại các hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ khi tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; đồng thời còn đề nghị bổ sung để làm rõ hơn yếu tố này. Nhất trí với quy định của Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Sơn Nhin bày tỏ, quy định như vậy phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Ông đề nghị bổ sung cụm từ "duy nhất" vào cuối Khoản 1, Điều 4 để thể hiện rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đại biểu quận Hoàn Kiếm tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Ngọc Hà


Trong khi đó, PGS, TS Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề nhấn mạnh: "Không thể phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với hơn 80 năm xây dựng và phát triển đã có công lao cực kỳ to lớn trong việc lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất". Cùng suy nghĩ trên, ông Đồng Văn Khiêm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có sự dẫn dắt của Đảng, dân tộc ta sẽ không đạt được những thành quả trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như xây dựng đất nước. Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng là không phù hợp với lòng dân. Một trí thức khác ở thành phố Hồ Chí Minh là GS, bác sỹ Trần Đông A cũng nêu ý kiến: "Dứt khoát Việt Nam chỉ nên có một đảng lãnh đạo, nếu không sẽ rất phức tạp". Theo ông, nên ghi rõ trong Hiến pháp là "vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định".

Cùng quan điểm đánh giá cao Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Trần Đình Phùng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đề nghị làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Việc này nhằm phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, đồng thời khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Ông khẳng định, Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra; phòng và chống được những nguy cơ suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên. Những điều này cần được thể chế hóa bằng pháp luật.

Làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng

Song song với việc tán thành việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhiều ý kiến đề nghị làm sâu sắc hơn vai trò này. Ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam kiến nghị: "Vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với việc chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, đồng thời phải nói rõ nhân dân có quyền và có vai trò gì đối với Đảng. Đảng lãnh đạo thì đường lối, chủ trương của Đảng phải được nhân dân phản biện xem có hợp lòng dân không? Đảng lãnh đạo thì tổ chức Đảng, đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân…". Cùng ý tưởng này, PGS, TS Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề khẳng định, chỉ có tự đổi mới mình Đảng mới tiếp tục khẳng định được vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Nội dung đổi mới này cần được thể hiện trong Hiến pháp. Tán thành với khoản 2 Điều 4, PGS, TS Trần Văn Tá đề nghị cần phải xây dựng luật để làm rõ cách thức giám sát của nhân dân và cơ chế chịu trách nhiệm trước nhân dân của Đảng.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có luật riêng để hoạt động của Đảng không nằm ngoài pháp luật, đồng thời cho rằng đây là cách làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng. GS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, có luật riêng về hoạt động của Đảng thì sẽ quy định được nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng trước dân tộc. Đảng khẳng định có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, biến chất. Nếu có một đạo luật về hoạt động của Đảng để giám sát, kiểm soát thì sẽ giảm được bộ phận không nhỏ ấy đi. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão bày tỏ, Hiến pháp hiện hành đã quy định "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Câu này đã bao hàm cả nghĩa Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đồng tình với việc nói rõ nội dung này, ông Vũ Mão đề xuất phương án sửa Khoản 2 Điều 4 thành: "2. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, do luật định". Viết như vậy có nghĩa là sẽ tiến hành xây dựng luật về sự lãnh đạo của Đảng.

Cùng chung quan điểm tán thành với Điều 4 như biết bao người thuộc nhiều giai tầng trong xã hội, GS,TS Nguyễn Lân Dũng nhận định, nếu sau này quy định của Điều 4 Hiến pháp sửa đổi được thực hiện nghiêm chỉnh, chắc chắn niềm tin vốn rất lớn lao của nhân dân ta đối với Đảng tiền phong sẽ được củng cố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.