(HNM) - Gần đây, sau một vài sự cố liên quan đến chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (CTLKĐTNN), dư luận bắt đầu lo ngại và hồ nghi về chất lượng đào tạo của loại hình này. Tuy nhiên, đây lại là một hướng đi hiệu quả nếu cả cơ sở đào tạo lẫn người học biết "gạn đục, khơi trong".
Có làm được điều này không khi mà trong giai đoạn được coi là bùng nổ thông tin hiện nay, những điều cần biết về đối tác nhiều khi lại là "ẩn số" ? Thời điểm này, khi cánh cửa trường ĐH đã đóng với hơn nửa triệu thí sinh, câu trả lời càng trở nên bức thiết hơn bao giờ bởi đăng ký theo học CTLKĐTNN có chất lượng là một lựa chọn được ưu tiên.
Luyện đọc tiếng Pháp tại Trung tâm Đào tạo tiếng Pháp chuyên ngành Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cơ sở đào tạo hợp tác giữa Pháp với Việt Nam. Ảnh: Đình Na |
"Được" nhiều hơn "mất"?
Khởi thủy, CTLKĐTNN được một số trường ĐH tổ chức cho sinh viên đã trúng tuyển vào trường, có khả năng học bằng tiếng Anh để họ được tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến. Đối với những chương trình này, "được" là chính. Người học thì được bằng cấp quốc tế, chương trình học chuẩn hơn, khả năng ngoại ngữ nâng lên đáng kể. Người dạy được chuyển giao công nghệ đào tạo, cả về nội dung lẫn phương pháp. Nhà trường được mở rộng quan hệ quốc tế, học hỏi những kinh nghiệm quý báu về quản lý giáo dục, về phương pháp giảng dạy, cách kiểm tra, đánh giá và có nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất... Xã hội thì được những cán bộ có trình độ cao, giảm thiểu lượng ngoại tệ ra nước ngoài, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học.
Gần đây, số lượng CTLKĐTNN tăng đáng kể nhưng phần nhiều hướng đến đối tượng trượt ĐH và có tiền. Lẽ dĩ nhiên, đối tác của các trường ĐH Việt Nam trong những mối liên kết này khó có thể là những trường có chất lượng cao. Đây là một thực tế không thể phủ nhận, bởi trường có chất lượng sẽ đòi hỏi cao đối với người học, cả ở khâu tuyển sinh lẫn trong quá trình đào tạo. Hiển nhiên, những học sinh đã thi trượt ĐH thì khả năng vượt qua quá trình sàng lọc gắt gao suốt thời gian đào tạo sẽ thấp và liên kết khó tồn tại. Thêm nữa, học phí cũng sẽ cao hơn những chương trình chất lượng thấp hơn. Bản thân các trường ĐH trong nước khi mời đối tác nước ngoài cũng hiểu rõ điều ấy. Phải chăng vì thế mà các đối tác trong CTLKĐTNN đều dưới trung bình?
Đánh giá về những điểm còn hạn chế của CTLKĐTNN, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài cho biết: Nguy cơ xâm nhập của các chương trình kém chất lượng là có thật. Một số chương trình liên kết với các đối tác chưa được kiểm định chất lượng gây nhiều rủi ro cho giáo dục Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của các nhà trường cũng như của ngành giáo dục.
Làm gì để gạn đục?
Trước tiên và trên hết, đó là sự thẩm định của các cơ quan có trách nhiệm. Hiện nay, việc kiểm soát các CTLKĐTNN do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm chính, ngoại trừ 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng đã được phân cấp quản lý. Các trường ĐH muốn mở CTLKĐTNN phải xin phép Bộ. Đối với các chương trình được Bộ cấp phép, hằng năm, sau khi kết thúc mỗi năm học, mỗi kỳ tuyển sinh, các đơn vị phải gửi báo cáo về Bộ và các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện CTLKĐTNN của các bên theo quyết định và hồ sơ đã được phê duyệt - ông Nguyễn Xuân Vang khẳng định. Hiện nay, Bộ đã cấp phép cho 112 CTLKĐTNN và thông tin về các chương trình này được đăng tải trên trang web của Cục Đào tạo với nước ngoài từ đầu tháng 7-2010. Công khai thông tin về các CTLKĐTNN là một nỗ lực của cơ quan quản lý về GD-ĐT để tạo điều kiện cho người học có nguồn thông tin chính thống khi quyết định đầu tư cho tương lai vào đâu.
Quản lý GD-ĐT nói chung, quản lý về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục mà CTLKĐTNN là một nội dung nói riêng, luôn tồn tại một thực tế là thực tiễn thường đi trước và phát triển liên tục. Bởi thế, tuy CTLKĐTNN xuất hiện khá lâu rồi nhưng đơn vị được giao trách nhiệm quản lý hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT mới được thành lập cách đây 2 năm. Những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động này cũng chưa thật đầy đủ. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Cục Đào tạo với nước ngoài đang soạn thảo nghị định quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có hẳn một chương về CTLKĐTNN. Nghị định này sẽ quy định rất cụ thể về điều kiện thực hiện liên kết đào tạo cả về đối tượng liên kết; chương trình, nội dung liên kết; yêu cầu đối với giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; công tác kiểm tra, đánh giá; việc cấp phát văn bằng chứng chỉ; các biện pháp bảo đảm chất lượng và quản lý rủi ro...
Tuy nhiên, không chỉ trong khi chờ có quy định quản lý CTLKĐTNN một cách đầy đủ mà kể cả khi nghị định nói trên được ban hành thì trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc tìm hiểu đầy đủ thông tin về đối tác cũng như lương tâm của những người làm liên kết vẫn là "lưới" lọc quan trọng nhất. Lẽ nào, vì chưa tìm hiểu kỹ và vì lợi ích trước mắt mà chấp nhận những CTLKĐTNN có thể dẫn đến sự xâm nhập của những CT kém chất lượng để người học "tiền mất tật mang" và quan trọng hơn là ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ sở đào tạo, xói mòn niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói riêng, CTLKĐTNN nói chung?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.