Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sao để nhận diện nhân tài trong 30 phút phỏng vấn?

08/04/2011 10:58

Sáng 08/4/2011, tại Hà Nội, Mạng cộng đồng doanh nhân cao cấp Anphabe đã phối hợp cùng Nokia tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Nhận diện nhân tài chỉ trong 30 phút phỏng vấn”.

Đặt câu hỏi phỏng vấn đòi hỏi phải có kỹ thuật, gọi nôm na là kỹ thuật “bóc hành”: tách từng lớp, từng lớp thông tin cho đến tận “lõi” để tìm hiểu ứng viên – Nguồn: Anphabe.com

Sáng 08/4/2011, tại Hà Nội, Mạng cộng đồng doanh nhân cao cấp Anphabe đã phối hợp cùng Nokia tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Nhận diện nhân tài chỉ trong 30 phút phỏng vấn”. Trước đó, Anphabe cũng đã tổ chức buổi tọa đàm về đề tài này tại TP.HCM ngày 01/4/2011.

Chia sẻ về mục đích tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề này, bà Thanh Nguyễn, Chủ tịch & Giám đốc Điều hành Anphabe cho biết: “Làm sao để chọn lựa đúng người, đúng việc luôn là mối bận tâm lớn của các lãnh đạo doanh nghiệp và tiêu tốn của họ rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Vì vậy, chúng tôi mong muốn đem đến những giá trị thiết thực nhất, giúp doanh nhân có được giải pháp thực tiễn đồng thời mở ra nhiều cơ hội kết nối dài lâu cho doanh nghiệp”.

Trong vai trò diễn giả của chương trình, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Tổng Giám Đốc Navigos Search đã chia sẻ cùng hơn 50 chuyên viên nhân sự và các lãnh đạo doanh nghiệp một số kỹ thuật trong phỏng vấn tuyển dụng, nhất là cho các vị trí cao cấp. Cụ thể, theo bà Vân Anh, giai đoạn tìm hiểu thông tin ứng viên nếu được tiến hành kỹ lưỡng sẽ giúp NTD xác định được những ứng viên tiềm năng để chọn vào vòng phỏng vấn. Bà gợi ý ”Quy luật 3”, nghĩa là để tuyển được một nhân sự cao cấp, NTD nên phỏng vấn họ 3 lần, do 3 người khác nhau trong công ty phỏng vấn ứng viên, ở 3 nơi khác nhau và tại 3 thời điểm khác nhau. Thông qua những bước này, NTD có thể xác định được ứng viên có nói dối hay không, có đam mê công việc không, đam mê lĩnh vực nào, có thích hợp với văn hoá công ty hay không…

Thêm vào đó, để có được những thông tin trung thực trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng (NTD) cần tìm hiểu, nghiên cứu thông tin ứng viên từ trước, tránh vội vàng xem hồ sơ ứng viên vào sát giờ phỏng vấn. Công việc nghiên cứu thông tin này giúp NTD chú ý đào sâu thông tin cần hỏi, tránh được những câu hỏi “rỗng” – hỏi chỉ để hỏi. Phối kiểm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau là một bước quan trọng nữa để tìm hiểu ứng viên, có thể kiểm tra chéo với công ty cũ, đồng nghiệp cũ, nhân viên cũ của ứng viên…

Bà Vân Anh ví dụ: với một ứng viên cho vị trí cao cấp, NTD có thể khéo léo dò hỏi thông tin với CEO hoặc sếp trực tiếp của ứng viên ở công ty cũ: “Nếu có cơ hội, trong tương lai ông/bà có tuyển người đó trở lại công ty không?” và chú ý quan sát hoặc lắng nghe phản ứng từ người trả lời. Sự tiếc nuối hoặc ngập ngừng trong cách trả lời cũng là một dấu hiệu để NTD đánh giá về ứng viên...

Cuối cùng, trong suốt buổi phỏng vấn, NTD nên chú ý quan sát những cử chỉ, thái độ của ứng viên. Trong giao tiếp, ngôn ngữ cơ thể chiếm đến 50% giá trị thông tin; do đó khi biết phối kiểm thông tin kỹ lưỡng, kết hợp những câu hỏi sắc bén và quan sát những hành vi, thái độ, cử chỉ, giọng nói… của ứng viên, NTD có thể chọn được người phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để nhận diện nhân tài trong 30 phút phỏng vấn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.