Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sao cho hiệu quả ?

Xuân Lộc| 25/04/2011 08:17

(HNM) - Thị trường du lịch mới lạ, những sản phẩm văn hóa nguyên sơ, đậm đà bản sắc dân tộc đang là một thế mạnh cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam. Những địa phương có lợi thế tiềm năng truyền thống văn hóa cộng đồng và vốn di sản văn hóa các dân tộc phong phú, nếu được đầu tư, khai thác tốt sẽ là điểm đến cuốn hút du khách.


Sức hút đối với khách quốc tế

Mai Châu (Hòa Bình), một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách tới tham quan.     


Góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhiều tỉnh vùng cao đang phát huy thế mạnh văn hóa bản địa hoang sơ của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch cộng đồng. Kinh nghiệm từ Lào Cai, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu... cho thấy, khách du lịch nước ngoài thường thích đi bộ vào những bản làng vùng sâu, vùng xa, cùng sinh hoạt với người dân.

Xuất hiện ở nước ta từ năm 1997, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích cho cả khách du lịch, người dân địa phương cũng như các công ty du lịch. Dưới góc độ của một chuyên gia trong ngành "công nghiệp không khói", TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, việc phát triển du lịch cộng đồng rất phù hợp với đặc thù văn hóa của nước ta. Không chỉ góp phần bảo tồn nền văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng còn mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương.

Đơn cử như Lào Cai, cùng với việc phát triển 12 điểm du lịch cộng đồng, doanh thu của nhiều hộ nông dân đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Mới đây, tại hai điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai là Sa Pa, Bắc Hà cũng đã xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng với tên gọi "Một ngày làm cô dâu người Mông", "Một ngày làm nông dân người Dao", thi nấu rượu, thi dệt thổ cẩm với du khách… Ở Hội An, khách du lịch có thể tham gia đánh cá cùng ngư dân. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể trở thành những nông dân miệt vườn… Dù mới nhưng những sản phẩm du lịch này đã thu hút rất đông khách quốc tế.

Ở nhiều địa phương khác, loại hình du lịch cộng đồng gắn liền với đời sống của người dân bản địa đang phát triển. Điều dễ nhận thấy là những điểm du lịch này đã nhận được sự "vào cuộc" tích cực của người dân. Họ đã biết sửa sang nhà cửa, bảo vệ cảnh quan môi trường… đặc biệt là khôi phục nghề thủ công truyền thống. Nhiều sản phẩm thủ công có giá trị đã được bán trên phạm vi toàn quốc, được xuất khẩu đi Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản... và trở thành đồ lưu niệm không thể thiếu đối với khách du lịch. Tuy nhiên, đằng sau mặt tích cực cũng còn nhiều điều đáng bàn khi xây dựng hướng phát triển cho du lịch cộng đồng ở Việt Nam.

Sẵn "bột", liệu có gột nên "hồ"?

Đầu tư cơ sở hạ tầng để giữ không gian văn hóa, nhưng các hoạt động văn hóa dân tộc không được bảo tồn và tái hiện đúng nguyên bản thì bản sắc có thể phôi phai. Hậu quả là các tour du lịch cộng đồng sẽ tẻ nhạt và nghiêm trọng hơn, thế hệ trẻ sẽ không hiểu đúng bản sắc văn hóa truyền thống. Từng đưa nhiều đoàn khách quốc tế tham gia hành trình khám phá và tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người dân tại các bản làng, hướng dẫn viên An Huy kể, cùng với việc phát triển du lịch cộng đồng, trên vùng đất Điện Biên, Lai Châu hiện nay mọc lên nhiều bản du lịch văn hóa. Tuy nhiên, khi đặt chân đến bất kỳ bản nào trong chuỗi hành trình du lịch đó, du khách cũng đều được "chiêu đãi" một điệu múa quạt giống hệt nhau. "Điều đáng nói là ngay chính những cô gái Thái ở các bản làng này cũng không biết nguồn gốc, xuất xứ điệu múa của dân tộc mình. Hỏi ra mới biết, tại các bản làng đều có nghệ sĩ về dạy hát múa. Điều đó lý giải vì sao các điệu múa cứ na ná nhau. Chưa kể, nhà sàn tại các bản đều được “hiện đại hóa” bằng mái tôn và hệ thống bê tông sắt thép… khiến không ít du khách thất vọng", hướng dẫn viên An Huy nói.

Ngay cả Sa Pa, một điểm đến thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước cũng đang bị thương mại hóa. Tại chợ tình Sa Pa, hình ảnh các cô gái Mông, Dao đang làm quen dần với kỹ năng sống của người Kinh hiện đại, những chàng trai phì phèo điếu thuốc đi chơi chợ... không còn xa lạ đối với du khách. Thậm chí, họ sẵn lòng xin tiền khi du khách muốn chụp chung một tấm hình hay chèo kéo mua hàng…

Trước thực tế trên, làm sao để khôi phục và đưa văn hóa bản địa vào phát triển du lịch, làm sao để người dân có ý thức tự giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình đang là bài toán nan giải đối với ngành chức năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm sao cho hiệu quả ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.