(HNM) - EVN kinh doanh viễn thông là lĩnh vực ngoài ngành, nhằm tận dụng lợi thế cơ sở vật chất và cũng phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vấn đề không bình thường ở đây khi EVN xử lý sự thua lỗ của viễn thông bằng cách chuyển khoản lỗ này sang phần kinh doanh điện. Việc chuyển các khoản lỗ từ kinh doanh viễn thông sang kinh doanh điện không chỉ làm sai lệch giá trị thực của giá điện mà còn gây những hệ lụy khác về lòng tin của người dân.
Thất bại viễn thông
Như chúng ta đã biết, EVN kinh doanh viễn thông với rất nhiều lợi thế từ cơ sở vật chất của ngành. Tuy nhiên, kinh doanh điện và kinh doanh viễn thông ở nước ta là hai lĩnh vực khác nhau quá xa. Vì thế, nếu EVN mang tư tưởng kinh doanh điện sang kinh doanh viễn thông thì sẽ rất bất cập. Bởi lẽ, kinh doanh điện ở nước ta vẫn còn là độc quyền tự nhiên; viễn thông thì phải cạnh tranh quyết liệt.
Việc chuyển các khoản lỗ viễn thông sang phần kinh doanh điện không chỉ làm sai lệch giá trị thực của giá điện mà còn làm mất lòng tin của người dân. |
Lợi thế về cơ sở vật chất cũng như nhân lực của EVN cũng chính là cái bất lợi nếu EVN không tìm được cách điều hành hợp lý. Đơn cử, hệ thống cáp quang có nhiều, đầy đủ nhưng lại thiếu sự liên kết trong quản lý (EVNTelecom và các điện lực, tổng công ty truyền tải cùng tham gia quản lý và vận hành), một hệ thống truyền dẫn cáp quang trên 63 tỉnh, thành có nhiều đơn vị khác nhau quản lý và vận hành, điều này dẫn đến chậm và phức tạp khi xử lý sự cố, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và đây chính là yếu tố gây trở ngại trong điều hành và kinh doanh viễn thông.
Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến cáp quang (cả phần thiết bị truyền dẫn lẫn cáp quang) trong địa bàn tỉnh lại do các đơn vị điện lực tự đầu tư, không có quy hoạch tổng thể toàn hệ thống 63 tỉnh, thành, thiếu tính đồng bộ, mạnh đơn vị nào đơn vị ấy tổ chức đầu tư lắp đặt, sau đó kết nối với mạng đường trục của EVNTelecom. Điều đó dẫn đến dễ bị tắc nghẽn khi nhu cầu thực tế khách hàng tăng lên (vì thiết bị truyền dẫn không đủ năng lực, trong khi dung lượng và số sợi cáp quang dư thừa), vấn đề này đã và sẽ tiếp tục cản trở việc kinh doanh viễn thông của EVN khi cạnh tranh với VNPT và Viettel.
63 tỉnh, thành đều có đơn vị điện lực, vì thế đều có thể kinh doanh viễn thông được. Đây là thế mạnh để phát triển khách hàng. Vì vậy, sau khi được phép kinh doanh viễn thông công cộng, ban đầu EVN là doanh nghiệp phát triển khách hàng với tốc độ khá nhanh. Nhưng do nhiệm vụ chính của điện lực là kinh doanh điện, chức năng chăm sóc khách hàng không như viễn thông nên không giữ được khách hàng. Các đơn vị điện lực đều phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ là kinh doanh điện và kinh doanh viễn thông, trong khi đó EVNTelecom là đơn vị kinh doanh viễn thông chính lại không tham gia kinh doanh trực tiếp, không giao tiếp trực tiếp với khách hàng mà phải thông qua các đơn vị điện lực. Do đó, EVNTelecom không nắm bắt kịp thời nhu cầu và phản ảnh của khách hàng. Điều này đã khiến cho EVNTelecom bị xếp hạng chăm sóc khách hàng kém nhất trong các đơn vị kinh doanh viễn thông.
Thêm nữa, CDMA là công nghệ duy nhất ở Việt Nam nên thiết bị đầu cuối (handset - điện thoại mobile, điện thoại để bàn không dây) không được xã hội hóa, không được bán trong các cửa hàng bán lẻ thông thường trên thị trường mà phải mua từ các cửa hàng của EVN. Điều này dẫn đến khách hàng sử dụng thiết bị đầu cuối của EVNTelecom không thể sửa chữa được ở cửa hàng điện thoại nào như công nghệ của Viettel, Vinamobi… mà phải tìm đến địa điểm quy định, có nơi một huyện mới có một điểm, rất bất tiện cho khách hàng. Do không được xã hội hóa nên đã ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc khách hàng.
Cũng vì thiết bị đầu cuối không xã hội hóa được nên giá thành mua rất cao, trong khi đó muốn cạnh tranh trên thị trường thì lại phải bán rẻ hơn giá mua. Để bù đắp vào khoản chênh lệch này, EVNTelecom phải tính vào chi phí khiến cho chi phí cao, càng mua nhiều thiết bị đầu cuối càng lỗ và hệ quả là doanh thu mỗi ngày một giảm và kết quả là doanh thu không bù được chi phí, dẫn đến kinh doanh bị lỗ.
Vì lý do trên, các tổng công ty điện lực không tiếp tục mua thiết bị đầu cuối. Nhưng không mua thiết bị đầu cuối thì sẽ không phát triển được khách hàng, không có thiết bị để thay thế cho khách, dẫn đến khách hàng rời khỏi mạng EVNTelecom và như vậy đồng nghĩa với việc thị phần bị teo lại trong khi kinh doanh viễn thông đang phải đối mặt với thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Cho đến thời điểm này, EVN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho dịch vụ 3G nhưng không kinh doanh hiệu quả do chỗ có sóng, chỗ không. Cả dải miền Trung chỉ có Đà Nẵng có sóng nhưng cũng không ổn định (do không đầu tư triển khai khu vực này). Chất lượng mạng 3G như vậy không thể cạnh tranh được với Viettel và VNPT cho nên rất ít khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của EVN. Doanh thu của 3G hiện nay (sau hơn một năm triển khai kinh doanh 3G) chỉ từ 2,5 đến 3 tỷ đồng/tháng, thay vì với mức vốn đã đầu tư thì doanh thu phải đạt ít nhất 10 lần mới đủ hoàn trả vốn trong 10 năm khấu hao.
Chuyển lỗ cho các đơn vị điện lực!
Ngày 11-7-2008, EVN ban hành Quyết định số 415/QĐ-EVN-HĐQT về việc ban hành Quy chế Quản lý tài chính đối với hoạt động viễn thông công cộng áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo đó quy định, dịch vụ CDMA, đối với các thuê bao trả sau, EVNTelecom mua thiết bị đầu cuối, các công ty điện lực chịu chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối theo tỷ lệ 45% thì được hưởng 45% doanh thu cước dịch vụ phát sinh; EVNTelecom hưởng 55%.
Ở thời gian này, EVNTelecom đã vay tiền để mua thiết bị đầu cuối và các thiết bị này được giao cho các đơn vị điện lực bán. Như vậy, thiết bị đầu cuối này được các đơn vị điện lực bán và giao lại cho EVNTelecom 55% giá trị, 45% giá trị còn lại của thiết bị này các điện lực sẽ trả dần cho EVNTelecom trong 5 năm, còn doanh thu được chia với tỷ lệ đơn vị điện lực 45% và EVNTelecom 55%. Vậy tại sao việc kinh doanh lại bị lỗ?
Ngoài các yếu tố về mô hình tổ chức và công nghệ, phải kể đến các quy chế tài chính đối với hoạt động viễn thông công cộng được áp dụng trong EVN. Tính đến nay, đầu tư thiết bị của EVNTelecom đã lên tới khoảng 4.500 tỷ đồng, với việc áp dụng quy chế tài chính chia tỷ lệ 45%/55% thì EVN phải đạt doanh thu 9.000 tỷ đồng. Đây là con số không khả thi trong điều kiện kinh doanh viễn thông hiện nay của EVN.
Khi EVNTelecom khó có khả năng vay tiền để đầu tư thiết bị đầu cuối, ngày 29-9-2009, EVN lại ban hành Quyết định số 497B/QĐ-EVN về việc ban hành quy chế quản lý tài chính thay cho Quyết định 415/QĐ-EVN-HĐQT ngày 11-7-2008. Quyết định số 497B quy định: Đối với thuê bao phát triển từ ngày 30-9-2009 trở về trước, các công ty điện lực chịu chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối theo tỷ lệ 45% và được hưởng 45% doanh thu cước dịch vụ phát sinh (sau khi đã trừ cước các dịch vụ GTGT của các nhà cung cấp khác và chi phí khuyến mãi); EVNTelecom chịu chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối là 55% và được hưởng phần doanh thu còn lại. Đối với thuê bao phát triển từ ngày 1-10-2009, các công ty điện lực chịu trách nhiệm đầu tư mua thiết bị đầu cuối và chịu 100% chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối thì các công ty điện lực được hưởng 60% doanh thu cước dịch vụ phát sinh (sau khi trừ cước các dịch GTGT của các nhà cung cấp khác và chi phí khuyến mãi); EVNTelecom được hưởng phần còn lại.
Sau khi phân tích tài chính năm 2009 của EVNTelecom thấy bị lỗ khoảng 1.026 tỷ đồng, vào tháng 3-2010 EVN đã quyết định chuyển toàn bộ khoản lỗ này sang các tổng công ty điện lực bằng quyết định tăng giảm vốn đầu tư của EVN tại công ty con. Khoản tiền này sẽ được treo nợ trả dần trong 5 năm kể từ năm 2009.
Thực chất của bài toán chuyển tài sản này sẽ làm giảm lỗ trên sổ sách của EVNTelecom, giúp cho bức tranh tài chính của EVNTelecom có vẻ sáng sủa hơn. Để giảm lỗ cho EVNTelecom, cũng trong tháng 3-2010, EVN lại quyết định áp dụng thay thế tỷ lệ 45%/55% bằng tỷ lệ 30%/70% áp dụng để tính toán cho năm 2009.
Mỗi năm, ngành điện cần tới hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển các công trình nguồn, lưới... EVN thiếu vốn là một thực tế. Nhưng sự việc xử lý các khoản lỗ của EVNTelecom và những hệ lụy của nó đã làm sai lệch sự nhìn nhận của người dân đối với giá điện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.