(HNM) - Chiều qua 18-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, UBND TP Hà Nội đã tổ chức đóng góp ý kiến cho Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2050. Đây là cơ sở để hoàn chỉnh dự thảo quy hoạch trình HĐND TP Hà Nội vào trung tuần tháng 4 tới (bước đầu tiên trong lộ trình pháp lý đưa quy hoạch vào cuộc sống).
Các thành viên UBND TP, đại diện một số cơ quan thành phố đã phân tích và chỉ ra nhiều vấn đề chưa rõ của dự thảo quy hoạch lần này. Điều được quan tâm nhiều nhất chính là liệu quy hoạch chung có giúp Hà Nội chữa những "căn bệnh đô thị" hiện tại hay không?
The Manor, một trong những khu đô thị mới hiện đại của Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng |
Phát triển đô thị chỉ đến Vành đai 4
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo và đại diện các cơ quan chức năng đều đánh giá cao bản dự thảo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (QHCXDTĐ) mà đơn vị tư vấn trình bày lần này, đặc biệt là các nội dung chỉnh sửa sau khi tiếp thu các góp ý. Hầu hết các đại biểu đồng tình với cấu trúc đô thị (phần "khung xương" của QH) mà các đơn vị tư vấn đề xuất.
Đó là cấu trúc đô thị vùng lõi gồm chủ yếu là nội thành Hà Nội hiện tại, cộng với các vùng đô thị phát triển lấy sông Hồng làm trung tâm. Việc phát triển đô thị chỉ được phép đến Vành đai 4. Hà Nội sẽ có đô thị vệ tinh gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Hòa Lạc với những chức năng dịch vụ riêng đáp ứng nhu cầu việc làm riêng nhằm chia sẻ gánh nặng dân cư cho đô thị vùng lõi. Với cơ cấu này, cấu trúc hạ tầng giao thông nhằm kết nối đô thị được thiết lập gồm nhiều trục đường. Xen giữa đô thị vùng lõi và vệ tinh là các khu vực đô thị nhỏ nằm trong vành đai xanh. Sông Nhuệ sẽ được biến thành trung tâm của hành lang xanh, được xác định là chiếm đến 70% diện tích khu vực Hà Nội mở rộng (bao gồm cả làng nghề, khu vực nông thôn, các vùng sinh thái khác…). Hà Nội sẽ có một đường cảnh quan (không cho phép xây dựng đô thị bám hai bên) Bắc - Nam, ngoài ra còn có 3 đường cảnh quan khác để kết nối các vùng đô thị.
Tuy nhiên, ngay cả cơ cấu đô thị này cũng còn một số ý kiến khác, đề nghị tư vấn giải trình hoặc chỉnh sửa. Ông Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Kiến trúc đô thị Hà Nội cho rằng, cần làm rõ định nghĩa đô thị vệ tinh trong bản QH, tránh lẫn lộn giữa các khái niệm đô thị vệ tinh, láng giềng, đối trọng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặt vấn đề, nếu các đô thị vệ tinh cũng phát triển kiểu đô thị "nén" như vùng lõi thì liệu có thu hút dân cư, chia sẻ gánh nặng cho nội đô hay không? Chủ tịch UBND TP cho rằng, cần phải làm rõ được tính khác biệt của các đô thị được coi là vệ tinh trong bản QH, không nên bê nguyên mô hình xây dựng của nội đô như đề xuất; chẳng hạn tính toán để các đô thị vệ tinh có mật độ dân cư thưa, có điều kiện sinh thái tốt hơn nội đô...
Quy hoạch cần thực tế và khả thi
Lộ trình hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, lộ trình dự kiến hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2050 như sau: Tháng 4: Báo cáo HĐND TP để thông qua và đề nghị Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Tháng 5: Báo cáo Quốc hội. Trong khoảng từ tháng 6 đến trước tháng 9: Báo cáo Bộ Chính trị. Tháng 9: Thủ tướng ký quyết định ban hành quy hoạch. |
Đại diện các ngành của Hà Nội đã phân tích và chỉ ra rằng, không ít nội dung có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói quyết định tính thực tế, tính khả thi của QH chưa được làm rõ, chưa đầy đủ hoặc chưa được cập nhật chính xác. Việc kết nối, thống nhất giữa QH này với QH kinh tế xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, cũng như các quy định QH địa bàn Thủ đô từ trước đến nay cũng chưa được làm đầy đủ và chặt chẽ. Ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, bản QH chưa cập nhật đất xây dựng đô thị của huyện Sóc Sơn và khu vực Hà Tây cũ. Trong khi dự báo về dân số có thay đổi với bản dự thảo QH cũ, nhưng không lý giải tại sao, cơ cấu xây dựng đô thị cũng không được điều chỉnh cho phù hợp. Ông Đào Ngọc Nghiêm băn khoăn "Phải chăng tư vấn không có chính kiến?". Về tổng quan bản QH, vẫn nặng về định tính, thiếu định lượng, nên sẽ rất khó cho Hà Nội khi triển khai các QH chi tiết.
Các phó chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách các lĩnh vực công nghiệp - công thương, nông nghiệp - nông thôn, y tế, giáo dục, môi trường, cùng lãnh đạo các ngành quy hoạch kiến trúc, xây dựng, VH-TT&DL… chưa đồng tình với nhiều nội dung mà tư vấn định hướng QH về các ngành này. Các ý kiến đều cho rằng, các lĩnh vực này hoặc được đề cập còn thiếu, có mảng quan trọng nhưng mờ nhạt, có lĩnh vực định hướng chưa thực tế… Ông Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho rằng, QH chưa đề cập tới những vấn đề liên quan đến quốc phòng. Đây là thiếu sót lớn. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng nhận xét, cách giải quyết của QH đối với phát triển làng nghề không toàn diện, cần phải xác định những cụm làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm hiện nay. Lãnh đạo ngành giáo dục - đào tạo cũng cho rằng, tư vấn mới xem xét quy hoạch các trường ĐH, CĐ mà chưa xem xét các trường dạy nghề. Đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội phát hiện là QH định hướng đến năm 2020, Hà Nội đạt chỉ tiêu 15m2 nhà ở/người, nhưng thống kê nhà ở tháng 4-2009 cho biết, hiện nay, Hà Nội đã đạt 17,65m2 nhà ở/người…
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo lưu ý cơ quan tư vấn về các vấn đề chưa hoàn chỉnh, còn thiếu sót để tập trung hoàn chỉnh. Trong đó, mục tiêu QH cần phải hết sức thực tế và khả thi. "Quan trọng là làm rõ và định lượng được các mục tiêu làm cơ sở thực hiện". Chủ tịch yêu cầu làm rõ yếu tố pháp lý một số nội dung như làm đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Vĩnh Tuy (trong Vành đai 2,5); làm rõ từng công trình, khu vực bảo tồn, phục hồi cụ thể chứ không dừng lại một vài công trình như cầu Long Biên, ga Hàng Cỏ…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các thành viên UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành và các cơ quan thành phố góp ý bằng văn bản cho bản QHCXDTĐ. Sở Quy hoạch Kiến trúc là cơ quan chịu trách nhiệm tập hợp để chuyển tới chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn. Chủ tịch cũng giao các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục cung cấp thông tin cho các đơn vị tư vấn để hoàn chỉnh QH. Đồng thời, đối với những thông tin mà các bộ, ngành chưa cung cấp kịp cho tư vấn, các sở, ngành có trách nhiệm liên hệ "xin" thông tin từ các bộ, ngành để cung cấp kịp thời cho tư vấn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Trục Thăng Long (Hồ Tây - Ba Vì) có thật sự cần thiết không? "QH cần làm rõ trung tâm hành chính quốc gia và các trục không gian. Đối với trục không gian nối Hồ Tây - Ba Vì (còn gọi là trục Thăng Long), cần làm rõ cơ sở khoa học xem có thật sự cần thiết hay không. Nếu thật sự cần thiết thì dù có phải xóa làng cũng phải làm cho bằng được. Nhưng phải làm cho rõ về tính cần thiết, không nên đưa vào chỉ bằng ý chí". Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi: Cần có danh mục dự án ưu tiên đợt đầu "QH cần lập danh mục những dự án ưu tiên đợt đầu để thực hiện QH này. Có như vậy mới có cơ sở để phân chia các dự án đợt sau, cũng như gắn kết hiệu quả với QH phát triển KTXH Thủ đô. Ngay như quy hoạch về hệ thống cấp nước sinh hoạt, nếu cứ nhìn bản vẽ thì biết là chuyển từ dùng nước ngầm sang nước mặt, nhưng rất mơ hồ. Cần làm rõ lộ trình thực hiện từng giai đoạn ra sao. Đó là chưa kể, QH đề cập việc chuyển đổi hoàn toàn cả hệ thống cấp nước là không đúng thực tế. Chúng ta chỉ thay đổi nguồn cấp, hệ thống ống vẫn giữ nguyên". Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh: Đề cao hơn nữa tính khả thi "Tính khả thi của QH cần phải được đề cao hơn nữa, không chỉ về mặt tổng thể mà còn phải ở từng lĩnh vực, từng dự án cụ thể. Chúng ta phải đặt địa vị mình vào địa vị các hiệu trưởng trường đại học, các viện trưởng các viện trong nội thành để xác định vị trí đất mà dự định di chuyển tới. Cần phải xác định rất rõ vị trí, nếu không sẽ rất khó cho việc thực thi sau này". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.