(HNM) - Mặc dù khung thời vụ gieo cấy lúa mùa đã kết thúc khoảng chục ngày nhưng cánh đồng rộng gần 40ha của thôn Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín) vẫn chưa thấy dấu hiệu gieo cấy gì...
Ruộng ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi (Thường Tín), bị bỏ hoang. |
Nhiều vi phạm, người dân không đồng thuận
Ông Vũ Văn Tuân, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết, ngay từ đầu năm, huyện và xã Nguyễn Trãi đã chỉ đạo tập trung cho sản xuất như hỗ trợ giống lúa, đưa nước vào ruộng đồng, làm đất, gieo mạ... nhưng người dân vẫn không gieo cấy lúa xuân. Bước sang vụ mùa, tình hình có tiến triển chút ít với 6/285 hộ đã gieo cấy trên diện tích 13,5 mẫu. Còn lại, trên 30ha vẫn bỏ trắng. "Một nghịch lý là trong khi có ruộng ở đây nhưng 38 hộ dân thôn Gia Phúc không làm mà đi mượn ruộng ở các thôn khác để cấy lúa vụ mùa. Rõ ràng, người dân vẫn có nhu cầu sản xuất chứ không phải "chán" ruộng, ly nông, chuyển sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn" - ông Tuân phân trần.
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi Dương Thanh Tĩnh, khi thực hiện chủ trương DĐĐT, nhân dân nhiệt tình tham gia. Trong số 5 thôn của xã, 4 thôn đã hoàn thành việc giao ruộng cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất ổn định, duy nhất thôn Gia Phúc chưa đạt được sự đồng thuận. Người dân đòi chính quyền địa phương thực hiện xong việc cưỡng chế 22 trường hợp vi phạm với diện tích 13.365,8m2 đất mới thực hiện sản xuất. Trong số hộ vi phạm, có 15 hộ đã xây dựng công trình gồm nhà 2 tầng, nhà cấp IV, bếp, kho, lán, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, tường bao và ao thả cá. Số vi phạm còn lại chủ yếu là trồng cây trên đất lúa.
Tình hình tương tự xảy ra tại xóm 6, thôn Thụy Ứng (xã Hòa Bình) với khoảng 40 mẫu ruộng bị bỏ hoang. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Vũ Văn Đang cho biết, diện tích đất nông nghiệp của 144 hộ gia đình, cá nhân xóm 6 được giao ổn định theo Nghị định 64/CP là 242.860m2, tương ứng 491 định suất. Năm 1998, thực hiện chủ trương chuyển đổi từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, xóm 6 đã tổ chức dồn ghép một số xứ đồng. Trong quá trình dồn ghép này, khu vực Só Đường Châu diện tích 6.264m2 gần khu dân cư khó canh tác, xóm đã dồn ghép cho 5 hộ với 13,5 định suất. Các hộ này nhận ruộng ở đây đã chuyển nhượng một phần diện tích đất canh tác cho 2 hộ là ông Nguyễn Xuân Huy và Nguyễn Văn Tuyên - người dân xóm 7 - với diện tích 2.313m2. Lúc đầu, người dân xóm 6 cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai hộ này đã hết hạn sử dụng nên không công nhận tham gia vào phương án DĐĐT của xóm. Sau nhiều lần đối thoại, người dân xóm 6 đã đồng ý đưa hai hộ này vào, song lại yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý 5 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai khác tại Só Đường Châu... Tuy nhiên, do những vi phạm này chưa được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm nên người dân xóm 6 chưa ra đồng cấy lúa mùa.
Trách nhiệm trước hết thuộc chính quyền địa phương
Để giải quyết vướng mắc ở xã Hòa Bình và Nguyễn Trãi, cuối tháng 5-2013, UBND huyện Thường Tín đã có văn bản chỉ đạo 2 xã tạm dừng việc DĐĐT, tập trung điều tiết nước, hỗ trợ giống, làm đất cho các hộ dân gieo cấy lúa mùa. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của 2 xã phải tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và các hộ xã viên gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ; sau khi cấy xong, tiếp tục thực hiện DĐĐT theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT và UBND huyện. Tuy nhiên, từ thực tế và đối chiếu với hồ sơ lưu tại Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, việc xử lý vi phạm về đất đai trên địa bàn xã Hòa Bình và Nguyễn Trãi chưa triệt để. Tại thôn Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi) mới có 8 hộ đã giải tỏa công trình, trả lại diện tích cho địa phương quản lý; 14 hộ còn nguyên hiện trạng; 8 trường hợp lấn chiếm rãnh thoát nước từ thời điểm trước 1-7-2004 lại có nguyện vọng đề nghị xử lý theo Điều 50, Luật Đất đai năm 2003(!). Còn xã Hòa Bình mới hoàn thiện hồ sơ để xử lý 5 hộ vi phạm đất đai tại khu vực Só Đường Châu.
Xung quanh việc người dân bỏ ruộng hoang ở hai xã Hòa Bình và Nguyễn Trãi, trách nhiệm trước hết thuộc chính quyền địa phương. Đi đôi với tập trung khẩn trương xử lý dứt điểm sai phạm trong quản lý đất nông nghiệp ở đây, trước mắt huyện Thường Tín và hai xã có ngay phương án tổ chức sản xuất, gieo cấy lúa mùa để hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại vì bỏ đất hoang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.