Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ trách nhiệm để tránh đầu tư dàn trải

Hương Ly| 18/11/2013 15:28

(HNM) - Chiều 18-11, QH thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phá sản và Luật Đầu tư công (ĐTC). Góp ý về dự thảo Luật ĐTC, nhiều ĐBQH cho rằng, một trong những điểm mấu chốt của luật này là việc quy rõ trách nhiệm cá nhân tại các dự án ĐTC.



ĐB Trịnh Thế Khiết (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chủ đầu tư theo luật phải là người có vốn, tài sản và trực tiếp tham gia dự án, còn ở nước ta, chủ đầu tư chỉ có thẩm quyền thực hiện dự án. Đây chính là nguyên nhân khiến đa phần các dự án ĐTC đều vượt trần, gây lãng phí lớn với những sai phạm nghiêm trọng nhưng không rõ người chịu trách nhiệm. Cùng quan điểm này, ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ở nước ta có nhiều quyết định đầu tư sai, vậy ai là người chịu trách nhiệm? Trên thực tế, ai quyết định cuối cùng là người phải chịu trách nhiệm…

Góp ý về dự thảo Luật Phá sản, đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn, bởi luật này gắn bó mật thiết với nền kinh tế thị trường. Luật Phá sản sẽ tạo hành lang pháp lý để những DN không còn đáp ứng đủ điều kiện bước ra khỏi thị trường một cách hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều ĐB nêu ý kiến, việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phá sản bao gồm cả các hộ sản xuất cá thể và các định chế giáo dục là chưa cần thiết mà chỉ cần áp dụng với đối tượng là DN và hợp tác xã. Với các đối tượng còn lại, chỉ cần quy định xin giải thể và thanh lý tất cả các nghĩa vụ tồn đọng. Liên quan đến vấn đề này, ĐB Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội) góp ý, cần bổ sung các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng thuộc đối tượng áp dụng Luật Phá sản. Bởi những đối tượng này khi phá sản nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền tiêu cực, tác động xấu đến nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ trách nhiệm để tránh đầu tư dàn trải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.