Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ thủ đoạn lừa đảo mới chiếm đoạt tiền của người lao động

C.Dũng| 05/11/2010 17:38

(HNMO)- Sau khi đăng tin tuyển dụng với những điều kiện đơn giản, những kẻ lừa đảo này dễ dàng kiếm được tiền đặt cọc của những người lao động đang có nhu cầu tìm việc bằng cách giao giải những bài toán khó, những việc không thể hoàn thành.

Các đối tượng Quy, Sỹ và Thành tại cơ quan CA


Ngày 5/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy cho biết đang làm thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng Nguyễn Tất Thành (SN 1980, Ứng Hòa, Hà Nội) là GĐ Công ty CP thương mại xây dựng, du lịch Hưng Thịnh cùng 2 nhân viên là Bùi Kim Quy (SN 1975) và Hà Ngọc Sỹ (SN 1979), về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra bước đầu làm rõ về thủ đoạn lừa đảo người lao động hết sức mới của 3 đối tượng trên. Vào tháng 10/2009, Thành đứng ra thuê trụ sở tại phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thành lập Công ty Hưng Thịnh để phục vụ cho những ý đồ của mình.

Vị GĐ này cùng với 2 nhân viên là Quy và Sỹ thuê thêm địa điểm 41 Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy làm trụ sở Công ty. Sau đó, lấy danh nghĩa Công ty Hưng Thịnh, nhóm đối tượng này đăng tin quảng cáo trên báo và mạng Internet tuyển nhân viên văn phòng, lái xe, kế toán với mức lương từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Các tiêu chuẩn đưa ra với người lao động hết sức đơn giản như tuyển dụng sinh viên mới ra trường, trình độ trung cấp, sẵn sàng đào tạo nếu người lao động chưa có kinh nghiệm. Do đó, đã có rất nhiều người cần tìm việc tìm đến Công ty

Trong giao dịch, Thành dùng tên giả là Nguyễn Hải Long cùng Sỹ và Quy sẽ tiếp nhận hồ sơ, giới thiệu là đại diện Công ty Hưng Thịnh, được GĐ là Phạm Quang Hưng (tên tự bịa ra) giao nhiệm vụ tuyển lao động và ký hợp đồng.

Trong hợp đồng lao động, có nội dung người lao động phải nộp tiền đặt cọc từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng. Nếu họ tự ý bỏ việc hoặc không đáng ứng được công việc thì công ty sẽ cho nghỉ việc và không trả lại khoản tiền đặt cọc trên.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền đặt cọc, chúng giao cho những nhân viên mới những công việc khó như bắt học thuộc lòng 1 quyển cước xe ô tô từ Hà Nội đi các tỉnh chỉ trong một buổi sáng; giao bài kiểm tra kế toán đòi hỏi trình độ cao mới giải được.

Hoặc chúng bắt các nhân viên lái xe phải thử tay lái trong điều kiện ngặt nghèo để lấy lý do đuổi việc. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã dễ dàng chiếm đoạt tiền đặt cọc của người lao động.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, chỉ riêng từ tháng 6-2010 đến nay đã ký hợp đồng, thu tiền đặt cọc để chiếm đoạt của rất nhiều người lao động, với số tiền ít nhất 12-13 triệu đồng/tháng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ thủ đoạn lừa đảo mới chiếm đoạt tiền của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.