Phát triển kinh tế là trung tâm, là một trong những vấn đề nổi bật trong hệ thống 15 vấn đề lớn được nêu trong Báo cáo chính trị.
Từ tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, Báo cáo chính trị Đại hội XII đã đề cập tới những nhận thức lý luận mới của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về đường lối, chính sách phát triển kinh tế trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu của nước ta vào đời sống quốc tế, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đó có công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- So với những nhận thức trước đây, đây là lần đầu tiên, Đảng ta khẳng định: “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(1). Có thể xem đây là nhận thức lý luận mới của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu phổ biến của kinh tế thị trường thế giới: vận động theo quy luật thị trường, ở trình độ hiện đại và hội nhập quốc tế, vừa thể hiện tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội Việt Nam với vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì mục tiêu phục vụ con người và xã hội.
Đó là nền kinh tế có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Phù hợp với bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhất là khi nước ta đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lại bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh tư tưởng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Do đó, trong phát triển kinh tế thị trường, Đảng ta chủ trương nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cũng do đó, phải đa dạng hóa các hình thức phân phối lợi ích, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế và phát huy mọi tiềm năng của xã hội. Khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển…
Xây dựng nông thôn mới đưa đất nước phát triển theo hướng hiện đại. |
Đây là một điểm mới, một bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng về kinh tế thị trường. Nhất quán với định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta luôn nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước trong cơ cấu thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
- Nhiều luận điểm quan trọng về kinh tế được thể hiện trong Báo cáo chính trị, từ lý luận sẽ chuyển thành thực tiễn thông qua thể chế, chính sách và cơ chế quản lý.
Ví dụ: nhấn mạnh vai trò quyết định của nội lực đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất - kinh doanh của mọi người, chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, Đảng ta nhấn mạnh kết hợp phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ, tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, kinh tế với văn hóa và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, tư duy lý luận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong Văn kiện lần này, Đảng ta xác định rõ các giai đoạn, các bước đi, đó là tạo tiền đề, đẩy mạnh thực hiện theo mục tiêu và nâng cao chất lượng, gắn liền quá trình kinh tế - kỹ thuật - công nghệ với kinh tế - xã hội và kinh tế - văn hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Đặc biệt là, Báo cáo chính trị xác định các nhóm tiêu chí của nước công nghiệp theo hướng hiện đại để thực hiện, đưa nước ta từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp. Đó là ba nhóm tiêu chí về trình độ phát triển của nền kinh tế, trình độ phát triển về mặt xã hội, trình độ phát triển về môi trường - Ba chiều cạnh hợp thành trình độ phát triển bền vững.
Thứ tư, thực hiện quốc sách hàng đầu và chú trọng quản lý phát triển xã hội.
Tinh thần cơ bản của những đột phá, vượt qua những điểm nghẽn của phát triển như Đảng ta đã xác định là hướng vào hoàn thiện thể chế, chất lượng hạ tầng kỹ thuật - công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, trong Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh việc thực hiện quốc sách hàng đầu đối với giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đồng thời đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa và con người, giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là an sinh xã hội, quản lý phát triển và biến đổi xã hội, làm rõ quan niệm về phát triển vùng và liên vùng, khắc phục tình trạng chia cắt, manh mún trong phát triển, trong đầu tư và trong các chính sách quản lý trên quan điểm phát triển tổng thể và phát triển bền vững. Đây không chỉ là yêu cầu phát triển kinh tế, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển xã hội và con người mà còn đáp ứng yêu cầu về nguồn lực và tiềm lực cho quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Từ thực tiễn đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, Đảng ta cũng đề cập trong Báo cáo chính trị những vấn đề về thể chế hóa quyền tài sản, bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được ghi trong Hiến pháp 2013; quyền bình đẳng trong tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế, hoàn thiện thể chế bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu và quyền tài sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế.
Cách đặt vấn đề đó của Đảng chẳng những thể hiện những nhận thức lý luận mới mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế về kinh tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Thứ năm, nỗ lực thực hiện đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, với điểm nhấn quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Như đã nói, chủ đề Đại hội XII và những vấn đề cốt yếu về đổi mới chính trị, hệ thống chính trị, xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được trình bày cặn kẽ, sâu sắc trong Báo cáo chính trị. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Văn kiện đồng thời cũng là những điểm mới nổi bật về lý luận và tư duy lý luận của Đảng.
Có thể nhấn mạnh những điểm mới, quan trọng đó, toát lên từ tinh thần và lời văn trong Báo cáo chính trị, thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Đảng để thúc đẩy đổi mới chính trị đạt được những bước tiến mới ở Đại hội lần này. Đó là:
- Đẩy mạnh thực hành dân chủ, làm cho dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự là một động lực mạnh mẽ của đổi mới, của xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- Đổi mới tổ chức, bộ máy gắn liền với hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước pháp quyền, nhất là thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực, quyền giám sát, phản biện, quyền làm chủ của người dân.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, đặc biệt là chống tham nhũng để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.
- Đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó nhấn mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Lần đầu tiên, trong Văn kiện Đảng ở tầm Đại hội đại biểu toàn quốc, Đảng ta nhấn mạnh tới Đảng cầm quyền, từ quan niệm cầm quyền, mục đích cầm quyền, nội dung và phương thức cầm quyền, điều kiện cầm quyền, phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, phòng ngừa nguy cơ đối với Đảng cầm quyền. Đây là những tư tưởng mới về lý luận xây dựng Đảng, những vấn đề thực tiễn hệ trọng đối với đời sống chính trị của Đảng. Báo cáo chính trị còn đề cập tới một trù tính rất quan trọng trong chương trình nghị sự của Đảng ở nhiệm kỳ khóa XII. Đó là “hoàn thiện và thực hiện nghiên cứu cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ (2). Thực hiện có hiệu quả những vấn đề nêu trên, chắc chắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới chính trị sẽ có những bước tiến mới. Đó cũng sẽ là những đột phá lý luận - thực tiễn làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin cậy và mong đợi của nhân dân.
3. Bên thềm Đại hội XII, nhân dân ta đặt kỳ vọng lớn lao và sâu sắc vào những quyết sách mà Đảng sẽ nêu ra trong Đại hội lịch sử này - Đại hội ghi dấu mốc trưởng thành của Đảng sau 30 năm đổi mới.
Với nội dung phong phú của Báo cáo chính trị, với sự chuẩn bị công phu, đầy trách nhiệm của Trung ương khóa XI cho các công việc lớn, hệ trọng của Đại hội XII, với sức mạnh dân chủ, đoàn kết, đồng thuận trong Đảng, trong dân, chúng ta tin tưởng sâu sắc vào thành công của Đại hội, vào năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng ta.
Nhất định Đại hội và Nghị quyết Đại hội XII sẽ đem lại cho toàn Đảng toàn dân ta luồng sinh khí mới, sức mạnh mới để đi tới những thành tựu mới trong sự nghiệp đổi mới, xứng đáng với Dân tộc Anh hùng, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.
-----------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII; trang 81.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII; trang 29; trang 85.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.