(HNM) - Từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân ta, kể cả đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài đang náo nức chờ đón sự kiện chính trị trọng đại này...
Đảng họp Đại hội XII khi công cuộc đổi mới ở nước ta tròn 30 năm (1986-2016). Để tiến tới Đại hội, Đảng ta đã tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, phân tích và đánh giá toàn diện cả thành tựu lẫn hạn chế sau một chặng đường gần 1/3 thế kỷ đổi mới, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém để nêu cao quyết tâm và trách nhiệm vượt qua, nỗ lực thực hiện những đột phá trên con đường phát triển.
Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào đón Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: Anh Tuấn |
Từ tổng kết lý luận - thực tiễn 30 năm đổi mới, kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta rút ra những nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm tới (2016-2020) nhằm đưa đất nước phát triển về mọi mặt, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố vững chắc cơ sở xã hội của chế độ là niềm tin của nhân dân đối với Đảng của mình. Mỗi Đại hội Đảng là mỗi dấu mốc quan trọng về sự phát triển của Đảng, của đất nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt niềm tin và kỳ vọng vào Đại hội XII, vào những quyết định quan trọng mà Đại hội sẽ thông qua, “Đại hội của Đổi mới, Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết và Phát triển”. Tinh thần đó được thể hiện qua các dự thảo Văn kiện, đặc biệt là Báo cáo chính trị được chuẩn bị rất công phu, được thảo luận rộng rãi trong Đảng, lại tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Đó là cơ sở quan trọng để sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện các dự thảo Văn kiện trình Đại hội.
Báo cáo chính trị cũng như Văn kiện nói chung đã kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, bảo đảm sự thống nhất nhận thức, củng cố niềm tin và thúc đẩy hành động sáng tạo trong Đảng, trong dân để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu của đổi mới: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta.
Có thể nhận thấy nhiều điểm mới được thể hiện trong Báo cáo chính trị, trước hết là những điểm mới về lý luận, phản ánh sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bắt nguồn từ thực tiễn, được tổng kết và khái quát hóa thành lý luận từ chính thực tiễn đổi mới ở nước ta trên mọi lĩnh vực, mọi bình diện của đời sống xã hội.
Thực tiễn được lý luận hóa gắn chặt với lý luận được thực tiễn hóa, cho thấy sự kết hợp, sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa thực tiễn với lý luận. Vai trò đặc biệt quan trọng của thực tiễn là ở chỗ, nó là nguồn gốc của lý luận, là nội dung và đồng thời là vật kiểm chứng của lý luận. Biến đổi của thực tiễn đã vừa đặt ra, lại vừa gợi ý, mách bảo lý luận tìm đúng câu trả lời mà thực tiễn đòi hỏi. Vai trò của lý luận, từ đó, có thể thấy, là sự phản ánh tích cực và sáng tạo về mặt lý luận bản chất của thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển, dự báo và định hướng sự phát triển của thực tiễn. Tuy nhiên, thực tiễn biến đổi mau lẹ và không ngừng, nhận thức lại là một quá trình, lý luận và tư duy lý luận cũng tất yếu phải đổi mới, phải phát triển tương thích với thực tiễn.
Những điểm mới về lý luận thể hiện kết quả nghiên cứu và tổng kết thực tiễn đổi mới ở nước ta trên quan điểm thực tiễn, quan điểm đổi mới và phát triển, có kế thừa, có điều chỉnh để có những phát triển mới.
2. Nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, chúng ta nhận thấy những điểm mới chủ yếu về lý luận được thể hiện ở những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, xác định chủ đề Đại hội XII
Chủ đề Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng bởi đó là định hướng về tư tưởng lý luận, quan điểm chính trị và hành động thực tiễn của toàn Đảng, toàn dân, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, cụ thể hóa Cương lĩnh và các chiến lược phát triển của Đảng trong cả nhiệm kỳ.
Chủ đề Đại hội chắt lọc và cô đọng toàn bộ nội dung của Báo cáo chính trị và các Văn kiện khác nói chung, được trình bày thành một hệ thống các mệnh đề và luận điểm có quan hệ lô gích chặt chẽ, cùng hướng tới mục tiêu thực tiễn để Đại hội - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng - thảo luận và quyết định.
Chủ đề Đại hội, theo đó, thể hiện tinh thần cơ bản, phương hướng chủ đạo của đường lối chính trị của Đảng cầm quyền.
Đó là thông điệp mà Đại hội gửi tới toàn Đảng toàn dân về sự phát triển của đất nước trước yêu cầu mới, trong bối cảnh, tình hình mới đặt ra. Các nước, các Đảng cầm quyền trên thế giới có quan hệ hợp tác với nước ta, Đảng ta cũng rất quan tâm đến đường lối và chính sách của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Do đó, chủ đề Đại hội XII cũng hàm chứa một lời tuyên bố công khai, minh bạch và nhất quán về đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước trong các mối quan hệ song phương và đa phương, theo nguyên tắc độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, giữ vững và bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình, phát triển đất nước là vấn đề cốt lõi của quốc gia, lợi ích dân tộc là hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Việt Nam.
Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, thống nhất chủ đề Đại hội XII là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
- Từ chủ đề này, điểm mới và điểm nhấn quan trọng hàng đầu là yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ chủ yếu của nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, được ghi trong phần cuối của Báo cáo chính trị. Đảng có trong sạch thì mới vững mạnh. Có trong sạch, vững mạnh thì Đảng mới nâng cao được năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh của Đảng cầm quyền, mới làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ, mới phát huy được vai trò tiên phong và uy tín xã hội của Đảng cách mạng chân chính, mới củng cố vững chắc niềm tin của đảng viên và nhân dân với Đảng của mình. Xung quanh vấn đề này, trong Báo cáo chính trị, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật”, với dũng khí tự phê phán và tự ý thức về trách nhiệm của mình, Đảng ta thẳng thắn đánh giá rằng,… “trên thực tế, Đảng chưa thật sự trong sạch, vững mạnh”(*).
Do đó, một trọng tâm công tác của Đảng ở nhiệm kỳ này là phải ra sức xây dựng Đảng, gắn liền với chỉnh đốn Đảng. Đòi hỏi này vừa bức xúc vừa cơ bản, lâu dài. Lý luận xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XII không chỉ là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn đặc biệt nhấn mạnh tới công tác lý luận, tới xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa, trong đó có văn hóa chính trị là vì vậy.
- Sức mạnh của Đảng bắt nguồn sâu xa từ sức mạnh toàn dân tộc. Dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là bản chất, mục tiêu mà còn là động lực của chủ nghĩa xã hội, của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới.
- Đổi mới phải được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, ở đây là đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, trong đó có đổi mới hệ thống chính trị mà mấu chốt là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, mở cửa và hội nhập quốc tế.
- Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, như đã nói là yêu cầu hệ trọng, thiêng liêng gắn liền với độc lập chủ quyền, tăng cường tiềm lực, thực lực quốc gia, muốn vậy phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Định hướng này sẽ gắn chặt các nhiệm vụ đối nội với đối ngoại, xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Một điểm mới trong việc thể hiện chủ đề Đại hội XII liên quan đến mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực tế cho thấy, việc trù tính đến năm 2020 sẽ tạo được nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Đại hội XI đã xác định là không thể thực hiện được. Vì vậy, sự điều chỉnh thời gian thực hiện mục tiêu này là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, khắc phục những biểu hiện chủ quan, duy ý chí đã mắc phải.
(Còn nữa)
-------------------------------
(*) Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII, trang 81.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.