Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ chế tài, định hướng phạm vi ôn luyện

Thống Nhất| 19/05/2016 07:19

(HNM) - Chỉ còn hai tuần nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017 tại Hà Nội, với sự tham gia của 81.500 học sinh (HS) lớp 9. Trong giai đoạn ôn tập nước rút, nhiều vấn đề liên quan đến kỳ thi như cấu trúc đề thi, cách thức ôn tập, chế tài xử lý vi phạm trong quá trình dự thi... đã được làm rõ, giúp các thí sinh (TS) có phương án chuẩn bị đúng hướng.

Ôn tập kỹ sẽ giúp thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Ảnh: Viết Thành


Không cần học thêm ngoài nhà trường

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT - diễn ra vào ngày 8-6 tới, trong tháng 5, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức kiểm tra khảo sát hai môn ngữ văn và toán đối với toàn bộ HS lớp 9. Đây là điểm khác biệt so với mọi năm, bởi việc khảo sát không nhằm đánh giá việc học tập của các em ở mức độ nào, mà là căn cứ để các thầy, cô giáo xác định "lỗ hổng" kiến thức, điểm yếu kỹ năng để kịp thời có phương án hỗ trợ học sinh.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết: Việc tổ chức kiểm tra khảo sát cho HS trên địa bàn quận được triển khai nghiêm túc ở mọi khâu, theo đúng quy chế thi hiện hành. Đây là cuộc tập dượt của cả cô và trò nhằm đạt kết quả tốt nhất tại kỳ thi.

Giải đáp mối quan tâm của giáo viên, phụ huynh và HS về định hướng đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Về cơ bản, cấu trúc đề thi sắp tới của hai môn ngữ văn và toán sẽ tương tự như đề kiểm tra khảo sát vừa diễn ra. Nội dung đề thi được xây dựng dựa theo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9; hai môn thi đều theo hình thức tự luận. Riêng với môn ngoại ngữ, TS thi vào lớp chuyên ngoại ngữ cần lưu ý là đề thi sẽ được kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm.

Trước thực tế là có nhiều phụ huynh đưa con tới học tại các "lò luyện" hoặc tìm thầy, cô giáo tại các trường THPT mà con đã đăng ký dự tuyển để xin học thêm, ông Phạm Hữu Hoan khẳng định: Đây là việc làm không cần thiết, thậm chí là phản tác dụng, khiến HS phải chịu thêm áp lực, ảnh hưởng tới kết quả học tập. HS chỉ cần ôn tập theo hướng dẫn của thầy, cô giáo trên lớp và tự học theo sách giáo khoa, những em có nguyện vọng thi vào lớp chuyên cần làm thêm bài tập nâng cao hoặc nhờ sự hỗ trợ từ giáo viên của mình. Năm nay, ở mỗi đề thi sẽ có một câu hỏi khó (1 điểm) nhằm phân loại HS, tạo cơ hội cho TS có học lực tốt đạt điểm tối đa.

Rõ chế tài xử lý vi phạm

Hiện nay, ngoài việc hướng dẫn cho HS ôn tập, việc tổ chức cho HS nắm được các quy định liên quan đến kỳ thi là nội dung rất quan trọng. Ông Tạ Ngọc Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết: Nhà trường có nghĩa vụ là phải làm sao để từng HS nắm rõ quy định liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của mình, như vật dụng được phép hoặc không được phép mang vào phòng thi, sai phạm ở mức độ nào thì sẽ bị xử lý kỷ luật; hình thức, mức độ xử lý khi TS mắc sai phạm... Kinh nghiệm từ các kỳ thi trước cho thấy, nếu hiểu rõ những điều này, HS sẽ có ý thức tự giác chấp hành quy chế, chủ động tránh sơ suất hoặc mắc các lỗi không đáng có như mang điện thoại (dù đã tắt) vào phòng thi, dù thuộc bài nhưng vẫn mang tài liệu theo người...

Liên quan đến chế tài, các TS cần ghi nhớ là trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay, việc xử lý kỷ luật không chỉ được áp dụng đối với TS vi phạm tại điểm thi, mà còn áp dụng cả với trường hợp sai phạm được phát hiện tại ban chấm thi. Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, tùy theo mức độ vi phạm nội quy thi, TS có thể bị khiển trách, cảnh cáo; những bài thi có đánh dấu có thể bị trừ ở mức từ 25% đến 50% tổng số điểm toàn bài.

TS bị đình chỉ khi thi môn thi nào thì sẽ bị điểm 0 ở môn đó và không được dự thi môn tiếp theo. Với những lỗi nghiêm trọng như giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, có hành động gây rối, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp…, TS sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và bị tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo. Những điều này đã được các trường phổ biến cho HS, công khai tại các văn bản hướng dẫn của ngành, niêm yết trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT".

Những quy định cụ thể và công khai nói trên không chỉ giúp tạo sự công bằng cho mọi TS dự thi, mà còn góp phần làm cho kết quả thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội phản ánh đúng thực chất, tuyển được "đầu vào" phù hợp với từng trường THPT.

Trưởng phòng Giáo dục trung học Phạm Hữu Hoan: Hiện nay, có một số giáo viên tự xưng là thành viên của tổ ra đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội, đó là thông tin không chính xác. Đề thi các môn sẽ do Sở GD-ĐT biên soạn chung cho HS toàn thành phố chứ không phải do giáo viên của riêng trường THPT nào đảm nhận. Việc ra đề và lựa chọn thành viên ra đề được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, chính xác, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ thành viên nào.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ chế tài, định hướng phạm vi ôn luyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.