(HNM) - Nhà thơ Lâm Quang Mỹ (tên thật là Nguyễn Đình Dũng - TS Vật lý, hiện đang sống và làm việc tại Ba Lan) đã mang đến đêm Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Hạ Long một tiết mục hát thơ độc đáo.
Nhà thơ Lâm Quang Mỹ. |
- Thưa nhà thơ, nghe ông hát thơ, dễ liên tưởng tới những điệu hát ru và nhiều loại hình hát xướng cổ khác của người Việt. Hát thơ của ông có giai điệu đương đại, nhưng hình như cũng bắt nguồn từ cảm thức chung ấy?
- Ngay từ khi loài người có tiếng nói để diễn đạt tư duy và tình cảm của mình thì thơ ca đã xuất hiện. Khi làm thơ, tự nhiên trong tâm thức người viết đã có nhạc điệu. Tôi cũng vậy. Tôi có thể hát hoặc ngâm những bài thơ của mình bằng những giai điệu phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung và cấu trúc của bài thơ chứ không chỉ rập khuôn theo những điệu ngâm cổ truyền.
- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc những phản hồi của người nghe với hình thức biểu diễn thú vị này?
- Có lẽ giống như một món ăn đặc sản mới lạ nên công chúng yêu văn nghệ nói chung và yêu thơ nói riêng ở Ba Lan và các nước Châu Âu khác có phần hâm mộ. Báo giới và các nhà phê bình văn học Ba Lan ít nhiều cũng nhắc tới trong các bài viết của họ. Điều hạnh phúc nhất là qua các hội thơ ở Ba Lan tôi cảm nhận được tình cảm của bạn bè quốc tế với thi ca nước nhà. Bà Chủ tịch Liên hoan Thơ quốc tế Mùa Xuân của nước Cộng hòa Lithuania đã nói: "Đó là hát thơ chứ không phải đọc thơ. Tiếng Việt của các bạn rất giàu âm điệu!".
- Ông từng tham dự rất nhiều liên hoan thơ ở Ba Lan và các nước Châu Âu. Không khí chung ở các buổi liên hoan này như thế nào, thưa ông?
- Đã hơn 10 năm tham dự hàng nghìn buổi đọc thơ trong các liên hoan thơ quốc tế ở các nước Châu Âu, tôi thấy đó là một không khí gần gũi, ấm cúng và ít nghi lễ. Nhờ những panô lớn nhỏ trên khắp các ngả đường thành phố mà liên hoan thu hút đông đảo người yêu thơ đến tham dự chứ không phải chỉ có các nhà thơ đọc cho nhau nghe. Khán phòng không có dãy bàn riêng cho đại biểu. Mọi người tự chọn chỗ để ngồi. Cũng không có mục giới thiệu, tặng hoa dài dòng… Nhiều nơi, bạn đọc đã tìm hiểu trước về nhà thơ, in chân dung, tác phẩm hoặc những câu thơ hay trưng bày dọc hành lang và khán phòng; nhiều em học sinh vẽ tranh minh họa thơ tặng tác giả… Tất cả tạo nên một cuộc hội ngộ đầy cảm hứng và ý nghĩa, trọng thị với thơ ca.
- Một nhà khoa học làm thơ hẳn có nhiều điều khác biệt, thưa ông?
- Từ xưa đến nay không ít người làm thơ là những nhà khoa học tự nhiên. Có thể là sự phân thân trong cuộc sống đã cho họ khả năng ấy chăng? Tất nhiên sự ảnh hưởng qua lại trong tác phẩm cũng còn tùy theo bản tính từng cá thể.
- Sắp tới, ông sẽ cho ra mắt tập thơ song ngữ "Chiều rơi trên sóng" tại Hà Nội?
- Đó là tập thơ song ngữ Việt - Anh gồm 64 bài. Phần lớn đã được hai nhà thơ người Anh dịch từ tiếng Ba Lan để đăng trên các tạp chí văn học của các nước trong mấy năm qua. Cũng do họ dịch từ tiếng Ba Lan nên so với nguyên bản tiếng Việt cũng có phần "Tam sao thất bản" (cười). Các bài còn lại do nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh chuyển ngữ. Tập thơ sẽ ra mắt ngày 18-2 tới tại Thư viện Đông Tây.
- Chân thành cảm ơn ông! Chúc ông nhiều thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.