(HNMO) - Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố ngày 10-3, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã tăng 7,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 1-1982.
Đối với hầu hết người Mỹ, lạm phát đang vượt xa mức tăng lương trong năm qua. Điều này khiến họ khó có thể chi trả cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, khí đốt và thuê nhà.
Chuyên gia kinh tế Mark Hamrick nhận định: "Mức lương bình quân đã tăng tới 5,1%, mức tăng mạnh nhất trong vòng 20 năm, nhưng vẫn không theo kịp đà lạm phát".
Ngoài giá dầu liên tục tăng cao, chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng khiến giá các mặt hàng lương thực thực phẩm như lúa mì, ngô, dầu ăn và các kim loại như nhôm và niken phi mã. Nếu trong thời gian tới, giá xăng không giảm, Eric Winograd, chuyên gia kinh tế ước tính, lạm phát có thể lên tới 9% vào tháng 3 hoặc tháng 4. Để ngăn chặn tốc độ lạm phát tiếp tục gia tăng, dự kiến, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ra quyết định nâng lãi suất tiền gửi trong tuần tới.
Tuy nhiên, việc các ngân hàng tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng tới kích thích tiêu dùng và thúc đẩy kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính phủ nên tổ chức các cuộc thảo luận nhằm kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2022 của Mỹ được dự báo sẽ giảm đáng kể khi đạt mức ấn tượng 5,7% trong năm ngoái do không còn các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa và tiền tệ. Tăng trưởng của năm nay vẫn được dự báo cao hơn xu hướng trước đại dịch Covid-19, nhưng nếu FED tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gặp khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.