Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm phát gõ cửa Châu Âu

Vân Khanh| 21/04/2012 07:33

(HNM) - Kinh tế trì trệ không có nghĩa là lạm phát sẽ được đẩy lùi. Nhận định này của các nhà kinh tế Châu Âu hoàn toàn đúng với nước Anh hiện nay.


Lạm phát đang đe dọa sự phục hồi kinh tế của Châu Âu.

Với Chính phủ Anh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đột ngột tăng nhanh đã trở thành mối lo lớn. Những thành công trong việc hạ thấp CPI liên tục suốt 5 tháng trước từ mức cao kỷ lục 5,2% vào tháng 9-2011 đã chấm dứt. Không chỉ có vậy, tỷ lệ lạm phát leo thang đã chính thức lộ diện như một nguy cơ có thể phá hỏng những nỗ lực khó khăn để cải thiện nền kinh tế vừa khởi sắc của xứ Sương mù. Các nhà hoạch định chính sách đang đau đầu trước bài toán làm thế nào kéo tụt lạm phát nhưng không đe dọa tới tăng trưởng. Trên thực tế, CPI tại Anh phi mã là do hậu quả của tình trạng giá lương thực và quần áo tăng cao. Thế nhưng, việc giá lương thực và đồ uống nhẹ đã tăng so với cùng kỳ năm trước 4,6%, mức cao nhất kể từ tháng 10-2011, không những chưa thể cải thiện mà còn có cơ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi hạn hán đang hoành hành ở nhiều nơi trên nước Anh. Như vậy, mục tiêu tiếp tục hạ giá các mặt hàng để giảm gánh nặng ngân sách cho các gia đình Anh và đẩy mạnh việc chi tiêu sau một thời gian khá dài trì trệ đang bị thách thức nghiêm trọng. Cùng với đó, quyết tâm giữ lạm phát khoảng 2% trong năm nay và hai năm tới của London nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế cũng vì thế mà trở nên hết sức mong manh.

Tuy nhiên, không chỉ riêng đảo quốc mù sương đang tìm cách giành phần thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Thống kê mới nhất cho thấy, CPI của 17 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) giữ ở con số 2,7% trong tháng 3, cũng là tháng thứ tư liên tiếp và cao hơn mức 2,6% được dự báo trước đó khẳng định rằng lạm phát không còn là bệnh của các quốc gia đang phát triển mà đã gõ cửa cả Châu Âu. Giá nhiên liệu tăng nhanh và chưa biết điểm dừng giữa lúc cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Iran và phương Tây chưa hết căng thẳng và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia nơi rốn dầu Trung Đông chưa thuyên giảm được xác định là một trong những nguyên nhân đã hối thúc con ngựa lạm phát. Trong tháng 3, giá nhiên liệu đã tăng tới 8,5% sau khi đã tăng thêm 9,5% trong tháng 2. Chi phí vận chuyển vì thế cũng leo thang tới 4,6% khiến giá cả hàng hóa tại Eurozone khó mà không phi mã. Trước những khó khăn khách quan đó, nhiệm vụ giữ tỷ lệ lạm phát dưới 2% mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đặt ra đang vấp phải trở ngại lớn. Cho dù ECB đã lên tiếng khẳng định các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức đầy đủ và sẵn sàng có những hành động thích hợp vào từng thời điểm để đẩy lùi mối đe dọa này, song cũng phải thấy rằng lạm phát vào giai đoạn nền kinh tế châu Âu đang rất yếu ớt như hiện nay là vô cùng nguy hiểm.

Vẫn phải thắt lưng buộc bụng nhằm cắt giảm các khoản ngân sách trong tình trạng chi nhiều hơn thu, "đơn thuốc" mà nhiều quốc gia Châu Âu đang phải tuân thủ khiến nhiều nhà phân tích cảnh báo Lục địa già sẽ không dễ dàng trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng. Cộng thêm lạm phát gia tăng sẽ cực kỳ vất vả để Châu Âu đạt được những con số dương GDP nhằm tự vượt thoát khủng hoảng. Lạm phát tất yếu sẽ dẫn tới các chính sách kinh tế chặt chẽ hơn. Điều đó dù muốn hay không sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của người dân Châu Âu đang buộc phải làm quen với chi tiêu kham khổ. Trong bối cảnh chưa thoát khỏi khó khăn như hiện nay, sóng gió lạm phát là một thử thách nữa với một Eurozone vẫn chưa ra khỏi vòng vây cơn bão nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm phát gõ cửa Châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.