(HNM) - Trong hai ngày 27 và 28-2, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới Mátxcơva thăm chính thức nước Nga.
Bên cạnh đó, chuyến thăm còn là dịp để hâm nóng quan hệ giữa cá nhân hai vị tổng thống vẫn được giới quan sát ghi nhận là khá lạnh nhạt kể từ khi cả hai đều đắc cử tổng thống vào năm ngoái.
|
Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Pháp F.Hollande trước cuộc hội đàm tại Mátxcơva. |
Trước khi Tổng thống Pháp tới thăm Nga, hồi tháng 6-2012, Tổng thống Vladimir Putin đã có chuyến đi chớp nhoáng tới Paris ở thời điểm hai bên còn bất đồng sâu sắc về vấn đề Syria. Mátxcơva khẳng định ủng hộ Tổng thống Bachar al-Assad, trong khi Paris mở chiến dịch vận động công nhận phe đối lập Syria. Đây là sự kiện được cho là khởi đầu của thời kỳ "ngủ đông" trong quan hệ Nga - Pháp. Và, hẳn trong chuyến công du của người đứng đầu nước Pháp, chủ đề Syria tiếp tục là một thử thách trong chương trình nghị sự giữa Tổng thống F.Hollande và Tổng thống V.Putin. Rõ ràng, Paris ý thức được rằng, nếu không có Nga thì sẽ không thể có được một giải pháp cho Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ít khả năng ông chủ điện Elysée thành công trong thuyết phục nhà lãnh đạo Nga thay đổi lập trường. Vì, trong khi Pháp ủng hộ, thậm chí hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria quyết lật đổ chính quyền của Tổng thống B.Assad thì Nga vẫn quyết tâm ủng hộ và phản đối các hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Ngoài ra, quan hệ Nga - Pháp có chiều hướng đi xuống cũng một phần liên quan tới vụ việc trong nội bộ nước Nga nhưng gây phản ứng từ Paris. Đó là việc Tổng thống V.Putin đích thân trao quốc tịch cho tài tử điện ảnh Pháp Gérard Depardieu - người được dư luận Pháp cho rằng đã chạy ra nước ngoài để né tránh nghĩa vụ nộp thuế… Điểm sáng duy nhất trong quan hệ hai nước thời gian gần đây là sự đồng thuận với vấn đề Mali nhằm đánh bật lực lượng Hồi giáo cực đoan ra khỏi quốc gia Châu Phi này.
Là đối tác chiến lược, trong những năm gần đây, quan hệ Nga - Pháp có nhiều bước tiến triển đáng kể, nhất là thương vụ mua 4 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral năm 2011. Theo đó, Pháp sẽ đóng và chuyển giao cho Nga 2 tàu Mistral đầu tiên trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2015, hai tàu còn lại sẽ do Công ty OSK đóng tại Nga theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Điểm thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ nằm ở bản hợp đồng giá trị 1,7 tỷ USD, mà còn vì quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới như Nga chưa bao giờ bỏ tiền túi để sắm những tàu chiến như vậy của nước khác, đặc biệt bên bán lại là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Pháp. Bản hợp đồng này sẽ mang lại cho Pháp khoản lợi nhuận khoảng 500 triệu euro và có thể tạo khoảng 1.000 việc làm trong vòng hai năm.
Những thương vụ hợp tác quan trọng với Nga sẽ là nguồn cổ vũ lớn cho nước Pháp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng nợ như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ với xứ Bạch dương là một nước cờ quan trọng giúp Pháp cân bằng quan hệ trong bối cảnh Đức đang giữ vị trí đối tác số một của Mátxcơva ở Tây Âu. Đây cũng là cánh cửa mở sang các lĩnh vực khác như dầu khí. Tiếp cận nguồn năng lượng của Nga một cách riêng rẽ sẽ giúp Pháp giảm bớt mối lo về sự bất ổn trong lĩnh vực này từ bấy lâu nay.
Còn về phía Nga, củng cố trục Mátxcơva - Paris song song với quan hệ sẵn có với Berlin - hai trụ cột của Châu Âu - sẽ giúp Điện Kremlin mở rộng ảnh hưởng tại Châu Âu. Ngoài ra, Nga hy vọng sự đồng cảm của Pháp về năng lượng, quân sự và các vấn đề chiến lược khác sẽ làm giảm bớt tham vọng của Mỹ trong việc lôi kéo Cựu lục địa vào cuộc Đông tiến không gì khác nhằm thu hẹp không gian Nga tại vùng Caucasus và Trung Âu.
Tuy nhiên, những bất đồng mới nảy sinh thời gian gần đây đang đe dọa quan hệ "Đối tác chiến lược" Mátxcơva - Paris nếu cả hai không tìm thấy lợi ích chiến lược thiết thực. Ý nghĩa nổi bật tại Mátxcơva của Tổng thống F.Hollande cùng các bộ trưởng chủ chốt trong Chính phủ Pháp và lãnh đạo của hàng chục tập đoàn, công ty hàng đầu tới Nga trong 48 giờ qua không nằm ngoài mục đích đó.