Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm “mát” địa bàn

Lâm Quang Thụ| 11/08/2011 06:41

(HNM) - Cách đây không lâu, tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết phường Phú Lương (Hà Đông) được chọn làm dự án điểm triển khai mô hình


Cần lưu ý rằng đây là một trong những phường mới thành lập, diện tích và dân số lớn nhất nhì quận; lại từng là "điểm nóng" về quản lý đất đai, vì hàng chục năm trời việc cấp đất ở và đất giãn dân không được thực hiện khiến cho địa bàn đông dân cư này như cái áo chật, "cựa" một chút là rất dễ nứt.

Giãi bày điều đó với một vị có chức trách của quận, tôi còn nghe những lời quả quyết: Chọn nơi dễ thì sao nói là làm điểm? Dự án nếu đạt hiệu quả thì đây sẽ là khâu đột phá, gỡ thế bí cho nhiều nơi khác trên địa bàn quận.

Qua một thời gian "nghe ngóng", giờ tôi mới thấy rõ sự chuyển ở địa phương. Thì ra đây là dự án hỗ trợ cán bộ và người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để đấu tranh chống tham nhũng (có sự giúp đỡ của Thanh tra Chính phủ). Được tiếp cận các kiến thức của Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai, cán bộ và nhân dân được cùng trao đổi, sẻ chia kinh nghiệm, biện pháp đấu tranh phòng ngừa, kiểm soát tham nhũng; qua đó kiến thức pháp luật được nâng lên. Người dân tự phát hiện những biểu hiện tham nhũng; kiến nghị cơ quan chức năng xử lý kịp thời hành vi vi phạm, góp phần làm giảm "điểm nóng" đất đai. Khác hẳn với trước đây, dù phát hiện một số cán bộ lợi dụng chức trách, cấp đất trái thẩm quyền nhưng phản ánh của dân chưa mấy được quan tâm nên nhiều khiếu kiện phức tạp, kéo dài...

Từ đây cho thấy, một khi biết cách đưa luật vào cuộc sống, biết khơi nguồn sức mạnh cộng đồng tham gia vào quản lý xã hội thì việc khó cũng làm được. Phòng, chống tham nhũng liên quan đến đất đai trên địa bàn Hà Đông đã có hiệu quả, làm "mát" nhiều "điểm nóng" về đất đai - đó là một thực tế mà nguyên nhân chính là do có sự tham gia một cách tích cực từ phía người dân. Nghe kể, cơ quan pháp luật sau những phát hiện của người dân, đã điều tra xử lý nhiều cán bộ có hành vi lạm dụng chức quyền bán đất công trái phép; hàng chục tỷ đồng và hàng nghìn mét vuông đất cho thuê sử dụng sai mục đích đã được thu hồi...

Vậy là, một khi nắm chắc kiến thức pháp luật, hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, sẽ hạn chế được tình trạng khiếu kiện bừa bãi, gây mất trật tự xã hội. Song đáng nói còn ở chỗ, năng lực quản lý đất đai của cán bộ cơ sở cũng được nâng lên; các quy hoạch sử dụng đất (như quyết định đền bù giải phóng mặt bằng các dự án hoặc cơ chế chính sách của Nhà nước...) được công khai minh bạch; vai trò giám sát của nhân dân được phát huy hiệu quả. Sâu xa hơn là, sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở đã được huy động vào việc tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước. Cách "làm mát" điểm "nóng" ở đây đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác của thành phố.

Thì ra, cái quyết định táo bạo: Chọn nơi khó, làm điểm gỡ thế bí trong cái phức tạp mà tôi từng băn khoăn là không hề phiêu lưu!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm “mát” địa bàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.