(HNM) - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến hết tháng 12-2014, cả nước đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp (DN), trong đó thực hiện cổ phần hóa được 143 DN. So với năm 2013, kết quả này gấp 1,65 lần số DN được sắp xếp, số cổ phần hóa đạt gấp 2 lần và số vốn nhà nước được thoái gấp hơn 6 lần.
2014 là một năm Bộ GTVT quyết liệt thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN trong ngành mà trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn. Cụ thể, Bộ GTVT tiếp tục triển khai cổ phần hóa được 53 DN (trong số 143 DN của cả nước); trực tiếp tổ chức thực hiện cổ phần hóa 41 DN, đơn vị sự nghiệp đạt 152% kế hoạch năm (kế hoạch là 27 DN); hoàn thành việc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) 48 DN trên tổng số 76 DN của cả nước…
Những con số trên của ngành GTVT là kết quả khá ấn tượng trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế đất nước mà Đảng và Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, như phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, vấn đề không chỉ là số lượng dẫn đầu các bộ, ngành, địa phương về việc cổ phần hóa, sắp xếp các DN nhà nước, số lượng vốn nhà nước được thoái của từng DN… mà quan trọng hơn là hiệu quả cả về kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội… Thực tế đã chứng minh điều đó. Cụ thể, đối với 10 Công ty mẹ - tổng công ty, sau cổ phần hóa, các DN chuyển từ sở hữu nhà nước sang đa sở hữu, thông qua cổ phần hóa đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, vốn chủ sở hữu tăng 17,21%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 18,3%. Các DN được chủ động quyết định toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, công tác tổ chức quản lý DN được công khai, minh bạch, chặt chẽ, năng suất lao động tăng nhanh, doanh thu tăng 10,27%, lợi nhuận trước thuế tăng 43,29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 13,21%...
Lợi ích đã thấy rõ, song thời gian qua vẫn còn khá nhiều bộ, ngành, địa phương chưa mặn mà với việc tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Nguyên nhân và lý do của tình trạng đó đã được làm rõ tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm cũng như đã được nêu và phân tích các khía cạnh tại diễn đàn Quốc hội, vậy nhưng sự chuyển biến còn khá hạn chế. Trong khi đó, mục tiêu đã được Chính phủ đề ra là hết năm 2015 chúng ta phải hoàn thành việc cổ phần hóa 432 DN nhà nước trong cả nước, thậm chí sau khi rà soát, bổ sung danh mục DN phải cổ phần hóa theo tiêu chí phân loại DN nhà nước thì hiện tại đã tăng thêm 100 DN, nâng số cần cổ phần hóa lên 532 DN. Như ý kiến của một số chuyên gia trong và ngoài nước, để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa các DN nhà nước, bên cạnh đường lối, cơ chế, chính sách và quyết tâm của những người trong cuộc cần phải công khai, minh bạch mọi chuyện để xã hội, cộng đồng có thể theo dõi, giám sát tiến trình này. Đặc biệt cùng với đó, phải có chế tài xử lý nghiêm khắc những đơn vị, cá nhân vì những lý do không chính đáng, cố tình chùng chình, "câu giờ" trong thực hiện.
Hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa các DN nhà nước trong năm 2015 chắc chắn sẽ huy động được nguồn vốn lớn của các nhà đầu tư trong và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, nhà đầu tư và người lao động. Đây cũng chính là cái đích để đất nước phát triển. Cùng hướng tới lợi ích chung, khi đó không chỉ ngành GTVT thấy rõ hiệu quả của việc quyết liệt thực hiện sắp xếp và cổ phần hóa các DN nhà nước như hiện tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.