Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Làm khoa học cũng là dấn thân, đánh đổi"

Phạm Huy| 28/03/2018 14:08

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nikkei châu Á bởi những đóng góp trong lĩnh vực nội soi nhi khoa và ghép tế bào gốc. Giải thưởng sẽ được chính thức trao ngày 13/6/2018 tại Tokyo (Nhật Bản). Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện người thầy thuốc đã dành cả cuộc đời cho khoa học, khai phá những phương pháp điều trị mới.


Đến nay, GS đã được trao tặng nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Lần này, GS lại vinh dự được nhận một giải thưởng uy tín ở châu Á cho những đóng góp trong cả 2 lĩnh vực nội soi nhi khoa và về ghép tế bào gốc. Xin chúc mừng GS!

Nhiều bạn bè vẫn nói vui là phải làm bộ sưu tập các huân chương rồi. Thú thật, tôi không nghĩ mình có thể được nhận giải thưởng quý giá và có tầm vóc lớn như thế. Tôi rất vinh dự khi được cộng đồng quốc tế ghi nhận cả quá trình cống hiến suốt hơn 40 năm. Với một người làm khoa học, đây là sự ghi nhận vô cùng quý báu và đáng trân trọng, đồng thời là một động lực để tôi và các đồng nghiệp ở Vinmec tiếp tục nuôi dưỡng đam mê khoa học, đóng góp cho cộng đồng.

Chân dung GS Nguyễn Thanh Liêm


GS được biết đến với rất nhiều vai trò khác nhau: Một Giám đốc bệnh viện sắc sảo, một bàn tay vàng phẫu thuật nhi khoa và một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới… Ông thấy thú vị với vai trò nào hơn?

Tôi là người luôn thích khám phá, tìm tòi hướng giải quyết cho những vấn đề chưa có câu trả lời. Điều đó rất thôi thúc, bởi một đề tài thành công nghĩa là có phương pháp điều trị mới, giúp người bệnh thêm cơ hội được cứu sống, khỏe mạnh hơn. Nghiên cứu khoa học chính là công việc giúp tôi thỏa mãn đam mê đó. Khi làm quản lý, do phải dành nhiều thời gian cho công việc tổ chức nên tôi chỉ có thể nghiên cứu, đọc sách sau giờ làm việc. Từ cuối năm 2016, khi làm Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc & công nghệ gen Vinmec, tôi đã được dành trọn vẹn thời gian cho khoa học. Chúng tôi đang toàn tâm toàn ý cho các nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực.

Ngoài thành công trong ghép tế bào gốc chữa bại não đã được dư luận nhắc đến, ông có thể bật mí thêm các nghiên cứu khác?

Chúng tôi đã nghiên cứu ghép tế bào gốc với trẻ tự kỉ và một số bệnh khác: Xơ gan, chấn thương tủy sống, phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi, thoát vị màng não tủy, teo đường mật…
Với đề tài bại não, chúng tôi cũng đã đi đến giai đoạn cuối cùng của nghiên cứu; xác định bệnh bại não do nguyên nhân mắc phải như ngạt khi sinh, vàng da sau sinh, bệnh xuất huyết não… thì tỉ lệ thành công rất cao. Phần lớn các cháu đều có cải thiện tốt về tinh thần và vận động. Có những cháu có thể trước đây không ngồi, không cử động được thì bây giờ đứng dậy, đi lại được. Gần đây nhất, chúng tôi cũng đã công bố ca ghép tế bào gốc chữa xơ phổi ở trẻ sinh non đầu tiên trên thế giới, từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc oxi, giờ cháu bé đã cai được hẳn máy thở, phát triển rất bình thường.

GS Liêm và GS Mc Kinnon đã phẫu thuật điều trị thành công cho bệnh nhân Lê Trung Tuấn bị khối u khổng lồ trên mặt, giúp em Tuấn trở lại cuộc sống bình thường

Giải thưởng Nikkei Châu Á là giải thưởng uy tín được trao cho những cá nhân, tổ chức có những đóng góp và cống hiến nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân tại châu Á trong ba lĩnh vực: Kinh tế khu vực và đổi mới doanh nghiệp, Khoa học công nghệ, và Văn hóa. Giải thưởng do Tập đoàn truyền thông uy tín hàng đầu Nhật Bản Nikkei Inc., sáng lập và trao tặng.

Từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã có 5 cá nhân được trao giải thưởng này trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa. GS Nguyễn Thanh Liêm là người đầu tiên được trao giải thưởng trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Phần lớn những nghiên cứu đó đều là lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam và ngay cả trên thế giới – dư luận trong và ngoài nước có những ý kiến khác nhau. Động lực nào đã giúp ông vượt qua những điều đó và kiên trì để có thành công hôm nay?

Tôi rất tâm đắc với đề tài nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc chữa bệnh tự kỷ. Là người đã tiếp xúc, khám và điều trị cho rất nhiều trẻ tự kỷ, tôi thấu hiểu nỗi khổ của các cháu và gia đình. Có những bà mẹ nói với tôi cả chục năm không ngủ được vì cứ đến 2h sáng là con thức dậy bật hết các công tắc đèn rồi nhảy khắp nhà. Khi cháu ghép tế bào gốc có kết quả và có thể ngủ yên, người mẹ đó cũng đã sung sướng đến phát khóc. Đã làm nghề thuốc thì ai cũng muốn chia sẻ giúp người bệnh giảm bớt nỗi đau. Đó chính là động lực thôi thúc tôi phải làm điều gì đó vợi bớt nỗi đau ấy.

Còn các bình luận tiêu cực, không ai không chạnh lòng. Nhưng đã xác định làm khoa học là phải dấn thân và đánh đổi. Và tôi sẵn sàng tiếp tục đánh đổi như thế để tìm được những phương pháp điều trị hiệu quả.

GS còn được biết đến với những ca mổ sinh tử, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Nhưng ông vẫn thực hiện trong khi có thể từ chối. Ông có nghĩ nếu không thành công, mình có thể phải đánh đổi danh tiếng 40 năm?

Dù ca mổ chỉ có 50% thành công, tôi vẫn sẽ mổ. Tôi có thể từ chối để bảo toàn danh tiếng cá nhân, nếu không may có tai biến xảy ra. Nhưng trách nhiệm và lương tâm của thầy thuốc không cho phép điều đó. Nếu thực sự vì cộng đồng thì tôi vẫn cứ làm thôi, dù biết có thể phải đối mặt với thử thách xấu nhất.

Là người say mê làm khoa học, vì sao ông lại chọn gắn bó đã hơn 5 năm qua với một bệnh viện tư nhân như Vinmec – nhiều người vẫn cho rằng ở bệnh viện tư thì ít có cơ hội nghiên cứu, học tập?

- Tôi lựa chọn Vinmec bởi nhận thấy lãnh đạo Tập đoàn Vingroup là những người có tầm nhìn xa, nắm bắt nhanh xu thế phát triển và hướng đi trong tương lai của khoa học công nghệ và y khoa. Thậm chí, chính lãnh đạo Tập đoàn đã nhận định "Tế bào gốc là tương lai của y học". Vì vậy, khi tôi đề xuất nghiên cứu chuyên sâu về tế bào gốc, Tập đoàn rất ủng hộ và tạo điều kiện tối đa. Thêm vào đó, hệ thống trang thiết bị hiện đại tại Vinmec rất thuận lợi cho những nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt về công nghệ gen, tế bào gốc.
Mặt khác, Vinmec hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, toàn bộ lợi nhuận được tái đầu tư vào cơ sở vật chất và các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó có nghiên cứu khoa học. Do đó, tôi thấy đây là môi trường phù hợp giúp tôi tiếp tục thực hiện và theo đuổi niềm đam mê khoa học của mình.

*Xin cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Làm khoa học cũng là dấn thân, đánh đổi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.