(HNM) - Thêm một lần nữa, các siêu thị lớn - mô hình phân phối hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quản lý nhà nước, trong đó có yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa - lại khiến người tiêu dùng hoang mang
Không thể liệt kê đây là lần thứ bao nhiêu "sự cố" kiểu này xảy ra với người tiêu dùng. Trước rau an toàn là hàng loạt "sự cố" như tương có chất phụ gia bị cấm, nhiều loại thực phẩm không bảo đảm quy định an toàn vệ sinh... Dẫn tới "sự cố", chỉ có một trong hai nguyên nhân sau: Thứ nhất, quy trình kiểm soát đầu vào hàng hóa của siêu thị để phân phối tới người tiêu dùng lỏng lẻo. Thứ hai, chính các siêu thị vì những lí do như tham lợi, thiếu nguồn hàng bảo đảm... nên "làm bừa". Một lần bất tín, vạn sự bất tin, không chỉ những siêu thị này khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn làm khổ hàng nghìn doanh nghiệp làm ăn chân chính (thu gom, kinh doanh thực phẩm bảo đảm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm), đặc biệt là làm khổ hàng vạn nông dân đang sản xuất rau an toàn.
Chưa bao giờ như trong khoảng chục năm trở lại đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại được người dân, cơ quan quản lý quan tâm như vậy. Đây là vấn đề nóng, ảnh hưởng trước mắt là sức khỏe người tiêu dùng, di hại lâu dài là chất lượng nòi giống dân tộc. Vì vậy, cũng chưa bao giờ như bây giờ, "thịt sạch", "rau an toàn" lại trở nên rất quý. Trong khi sản xuất nông nghiệp đại trà ở quy mô toàn quốc chưa hoàn toàn đạt chuẩn thì nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đã triển khai mô hình trồng rau sạch, còn gọi là rau an toàn. Nói riêng Hà Nội, thành phố hiện có tổng diện tích canh tác rau hơn 12.000ha, trong đó đã có hơn 5.000ha được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Hơn 5.000ha rau an toàn này với kỹ thuật canh tác tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản "xuất sạch" như VietGAP chẳng hạn (chắc chắn sẽ dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn canh tác rau đại trà) là sinh kế của hàng vạn nông dân. Cũng phải nói thêm, để có hơn 5.000ha canh tác rau an toàn, các cơ quan, chủ lực là ngành nông nghiệp đã phải đầu tư rất lớn từ công tác quy hoạch, nghiên cứu đến tập huấn chuyển giao kỹ thuật... Trong khi đó, thời gian qua, đầu ra của rau an toàn rất khó khăn mà lý do quan trọng là người tiêu dùng không thể phân biệt nổi hoặc không tin rau an toàn. Người trồng rau an toàn không dễ "thở", nhiều doanh nghiệp, đại lý rau an toàn sống lay lắt. Vô hình trung, có một nghịch lý là nhu cầu rau an toàn rất lớn nhưng rau an toàn lại khó khăn trên đường "tìm đến" người tiêu dùng.
Rau an toàn "khó sống" thì người nông dân khổ. Bất luận "sự cố" liên quan cái tên Ba Chữ xảy ra vì lí do gì - bởi quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa tại nhiều siêu thị có vấn đề hay bởi các siêu thị này cố tình - thì đây vẫn là vụ việc cần điều tra làm rõ để xử lý nghiêm. Không thể để các siêu thị, lại là những tên tuổi lớn, tiếp tục coi thường người tiêu dùng, tiếp tục gây thiệt hại đối với người trồng rau an toàn, doanh nghiệp làm ăn chân chính và trong chừng mực nào đó là tiếp tay cho tệ "sản xuất bẩn" đang phổ biến hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.